Lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh: “Lá phiếu của đại biểu Quốc hội sẽ công tâm”

Ngọc Thành - Hoàng Lê/VOV.VN |

Đại biểu Quốc hội chia sẻ, lá phiếu tín nhiệm sẽ đúng với trách nhiệm, kết quả công việc mà các chức danh đã thể hiện; không vì ý do nào khác mà đánh giá thiếu khách quan.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dành 3 phiên làm việc cho công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong nhiệm kỳ, với việc bắt đầu trình danh sách vào chiều nay 24/10. Ngay tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị”

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, bản thân ông cũng như các đại biểu mong muốn lá phiếu đánh giá phải khách quan, “không thể vì áp lực nào đó mà bỏ lọt lá phiếu của mình, hay vì cá nhân mà đánh giá không tốt, vì như thế là không nên”. Bởi lẽ, Đại biểu Quốc hội được cử tri, nhân dân gửi gắm, tín nhiệm bầu tham gia nghị trường nên phải thể hiện sự công tâm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp

Còn theo đại biểu Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Quảng Bình, lấy phiếu tín nhiệm là dịp rà soát, đánh giá uy tín, kết quả điều hành công việc của các chức danh trong khoảng thời gian đương nhiệm cũng như để người được lấy phiếu tự xem xét lại mình để chỉ đạo, điều hành, thực hiện công vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để làm tốt công tác cán bộ, để sắp xếp phù hợp hơn với sở trường, năng lực từng người.

Bên cạnh đó, qua lá phiếu của đại biểu Quốc hội, cử tri giám sát tốt hơn cá nhân, tổ chức trong thực hiện các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực, công khai, minh bạch hơn.

“Có thể quá trình làm việc mình có thiếu sót nhưng chưa nhận ra, nhưng đánh giá tín nhiệm sẽ nhận ra, tổ chức góp ý, giúp đỡ cá nhân đó hoàn thiện hơn” – ông Trần Quang Minh nói.

Khác với 3 lần trước Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào các năm 2013, 2014, 2018, lần này, theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, tiêu chí đánh giá rộng hơn, cụ thể hơn, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng trực tiếp hơn. Những người có “tín nhiệm thấp” từ trên 1/2 đến dưới 2/3 tổng số phiếu thì có quyền xin từ chức. Nếu không từ chức thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Còn người có “tín nhiệm thấp” trên 2/3 tổng số phiếu thì sẽ tiến hành miễn nhiệm.

Đại biểu Trần Quang Minh đánh giá, quy định trong Nghị quyết 96 là bước tiến cần thiết để giám sát thực chất hơn, toàn diện hơn. Ông kỳ vọng rằng, sau đợt lấy phiếu tín nhiệm, kết quả chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của các chức danh đó có chuyển biến tốt hơn.

“Người có phiếu tín nhiệm quá thấp thì bãi nhiệm ngay. Kết quả tín nhiệm là một yếu tố để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có sự cảnh tỉnh tốt về ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống” – vị đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình nhấn mạnh.

Cho biết đã được gửi tài liệu, thông tin về những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Tôi đã có sự chuẩn bị. Với cái tâm, trí, trách nhiệm của ĐBQH, khi lựa chọn sẽ đúng với trách nhiệm, công việc, cống hiến của từng cán bộ lãnh đạo”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế

Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh, việc đánh giá giữa nhiệm kỳ gắn với trách nhiệm, kết quả đã đạt được cho đất nước, cho địa phương trong các lĩnh vực. Do đó, bà kỳ vọng các chức danh sẽ có những giải pháp mới để triển khai thật tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Tôi tin rằng với sự chỉ đạo và trách nhiệm như thế này, những năm còn lại của nhiệm kỳ sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng và người dân sẽ càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ.

Kết quả tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, giới thiệu ứng cử

Phó Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Tạ Thị Yên cho biết, theo Nghị quyết 96/2023/QH15, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Như vậy, tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn hiện nay có 49 người. Tuy nhiên, theo quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tức là những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Do đó, tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh. Trong đó, có 2 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4, 10 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, còn lại 32 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.

“Một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ” – bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại