Theo Forbes, vào ngày 28/8, 6 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ đã thực hiện một hành trình chưa từng có tiền lệ đó là bay qua tất cả 30 quốc gia thuộc liên minh quân sự NATO chỉ trong một ngày.
David Axe - Chuyên gia phân tích quân sự của Forbes cho rằng màn phô diễn sức mạnh trên của Không quân Mỹ không đơn thuần chỉ để biểu diễn. Nó rõ ràng là "mồi nhử" cho một chiến dịch thu thập thông tin tình báo được Lầu Năm Góc lên kế hoạch cẩn thận nhằm vào lực lượng phòng không Nga ở châu Âu nói chung và Biển Đen nói riêng.
Trước đó vào ngày 22/8, phi đội gồm 6 chiếc B-52H trên cất cánh từ căn cứ không quân Minot ở Bắc Dakota vượt qua Đại Tây Dương đã đến căn cứ không quân của Không quân Hoàng gia Anh ở Fairford để chuẩn bị cho kế hoạch trên.
Tiêm kích F-16 của Bỉ hộ tống một trong 4 chiếc B-52H thực hiện hành trình bay qua 30 quốc gia thành viên NATO vào cuối tuần vừa qua. Ảnh: Không quân Bỉ.
Đến sáng ngày 28/8, 4 trong số 6 chiếc B-52H cất cánh từ Fairford bay qua nhiều quốc gia ở châu Âu, hai chiếc khác ở Mỹ thực hiện các bài bay tương tự bên trong lãnh thổ nước Mỹ và Canada. Tất cả chúng đều trở về căn cứ vào buổi chiều cùng ngày.
Trong số các máy bay ném bom Mỹ bay bầu trời châu Âu hôm 28/8 thì chỉ duy nhất 1 chiếc B-52H mang ký hiệu "NATO01" hướng đến Biển Đen. Nó được xem là "mồi nhử" để Nga phải kích hoạt hệ thống phòng không trong khu vực.
Sở dĩ, nói như vậy là vì thời điểm "NATO01" bay qua vùng biển quốc tế trên Biển Đen thì cũng có hai máy bay trinh sát điện tử RC-135V/W của Không quân Mỹ hoạt động gần đó. Rõ ràng, NATO và Mỹ đã cố gắng sắp đặt sự kiện trên để đánh giá năng lực phòng thủ của người Nga.
Người Nga đã phản ứng mạnh với sự xuất hiện của "NATO01" trên Biển Đen, bằng cách điều hai tiêm kích Sukhoi Su-27 lên đánh chặn máy bay ném bom Mỹ. Các phi công Nga cũng không ngần ngại cho phi hành đoàn "NATO01" thấy họ sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết, đồng thời ép chiếc B-52H phải chuyển hướng.
Khi được hỏi về cuộc chạm trán trên, Đại tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi cho rằng:
“Những hành động như vậy làm gia tăng các nguy cơ đụng độ trên không, không cần thiết và không phù hợp với kỹ thuật bay an toàn và quy định bay quốc tế.”
Theo David Axe, phản ứng của Nga vào hôm 28/8 đã mang lại cho Mỹ một số thông tin có giá trị về hệ thống phòng thủ của Moscow ở Biển Đen thông qua các dữ liệu hai chiếc RC-135V/W thu thập được.
Tiêm kích Su-27 đánh chặn máy bay ném bom B-52 của Mỹ trên Biển Đen hôm 28/8.