Lấy 3 chữ làm luật, viên quan nhà Thanh xây dựng được một "đế chế" nức tiếng gần xa

Trần Quỳnh |

Gia đạo gói gọn trong ba chữ đã giúp nhà họ Tăng có nhiều người tài cao học rộng, trở thành một danh môn thế gia nức tiếng thời bấy giờ.

Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872) là một Nho gia, chính trị gia lỗi lạc thời nhà Thanh. Ông từng đỗ Tiến sĩ và giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy triều đình như Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình và chức Nội các học sĩ...

Không chỉ bản thân Tăng Quốc Phiên nổi tiếng cần kiệm, hiếu nghĩa, mà nhà họ Tăng dưới sự vun bồi của ông cũng trở thành một gia tộc hòa thuận và hưng vượng.

Sinh thời, Tăng Quốc Phiên từng truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm đối nhân xử thế để gia đình luôn tường hòa, gói gọn trong một câu: "Hiếu trí tường, cần trí tường, thứ trí tường".

Đại ý là nếu không giữ đạo hiếu thì gia đình sẽ bất an, người trong nhà không chăm chỉ thì gia đình sẽ suy vi, ruột thịt thân thích không tha thứ cho nhau thì gia đình sẽ ly tán.

Nếu dùng ba chữ "hiếu", "cần", "thứ" ấy đem truyền lại cho con cháu thì gia tộc tất có thể đời đời tường hòa, hưng vượng.

Lấy 3 chữ làm luật, viên quan nhà Thanh xây dựng được một đế chế nức tiếng gần xa - Ảnh 1.

Chân dung vị quan họ Tăng nổi tiếng Thanh triều - Tăng Quốc Phiên. (Tranh: Nguồn Internet).

1. Chữ "hiếu"

Cổ nhân Trung Hoa có câu răn dạy: "Trăm việc thiện lấy chữ hiếu làm đầu", coi "hiếu" là gốc rễ của nhân cách con người. 

Nếu một người ngay cả đối xử với phụ mẫu cũng không đem lòng biết ơn, vậy ta còn có thể mong mỏi được phẩm cách cao quý gì ở họ nữa đây?

Hiếu là "đạo" của trăm vạn đức tính. Người xưa cho rằng, con người ta mắc phải bất kỳ sự thiếu sót về đạo đức nào, âu cũng bắt nguồn từ việc thiếu lòng hiếu kính.

Chữ "hiếu" cũng giống như số 1, nếu thiếu đi chữ số này, bất luận phía sau có điền thêm bao nhiêu số 0 cũng chẳng có giá trị gì.

Tăng Quốc Phiên từng nói về "tám đức" trong việc tu tâm dưỡng tính. Trong đó có một đức là chữ "Hiếu". Không chỉ vậy, ông còn vô cùng coi trọng đạo hiếu nghĩa.

Năm xưa khi làm quan tại kinh thành, Tăng Quốc Phiên luôn dành thời gian viết thư cho phụ mẫu để kể về tình hình của mình. Nội dung thư được ông viết vô cùng tường tận, ngay đến cảnh tụ họp với bằng hữu cũng miêu tả hết sức kỹ càng để hai người yên tâm.

Tất thảy những câu chữ ấy đều hàm chứa sự hiếu kính và tình cảm sâu nặng của ông đối với song thân phụ mẫu nơi quê nhà.

Dưới sự dạy dỗ nghiêm ngặt về quy củ gia phong nhà của họ Tăng, con cái Tăng gia từ ruột thịt đến dâu rể đều là người hiếu thuận. Gia tộc ấy cũng nhờ một chữ "hiếu" mà lúc nào cũng êm ấm, hưng vượng.

Xưa kia, vợ của Tăng Quốc Phiên là Âu Dương thị khi về già chẳng may bị mù đôi mắt. Con dâu Quách Quân luôn kề bên hầu hạ, túc trực sớm tối bên mẹ chồng suốt 3 năm trời.

Bất kể là thời xưa hay thời nay, các bậc cha mẹ đều được coi như chủ thể của gia đình. Họ dùng tình yêu vô bờ bến để dưỡng dục thế hệ sau, dùng đôi bờ vai khoan hậu của mình để gánh vác mọi trách nhiệm nặng nề, dùng đôi bàn tay đầy vất vả để lo liệu mọi việc từ lớn đến bé.

Có đôi khi, con cái dù được hưởng thụ tình yêu của cha mẹ, nhưng lại rất ít nghĩ đến chuyện hồi báo, thậm chí còn coi đó là lẽ đương nhiên.

Kỳ thực, phận làm con không nên coi đạo hiếu là một gánh nặng mà phải biến đức tính ấy trở thành một thứ trách nhiệm không cần kể tới lý do, càng không nên đem chữ "hiếu" ra để nói bâng quơ vô ích mà phải đem nó áp dụng vào từng việc nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt.

Ân cần gọi điện hỏi thăm cha mẹ mỗi ngày, bầu bạn cùng bậc sinh thành vào mỗi khi rảnh rỗi,… đều là những hành động đơn giản nhưng lại thể hiện lòng hiếu thuận vô bờ. Chỉ một khi làm tròn đạo hiếu, gia đình mới có thể tường hòa, hạnh phúc và hưng vượng.

Lấy 3 chữ làm luật, viên quan nhà Thanh xây dựng được một đế chế nức tiếng gần xa - Ảnh 2.

Lấy đạo hiếu làm lẽ đầu trong gia đạo đã giúp gia tộc họ Tăng trên dưới luôn thuận hòa, vui vẻ. Ảnh minh họa.

2. Chữ "cần"

Lại nhớ năm xưa, gia tộc họ Tăng có thể trở thành một thế gia nức tiếng gần xa phần lớn nhờ vào sự chăm chỉ của Tăng Quốc Phiên.

Một đời của vị quan họ Tăng ấy từng coi mình như cây nến, cháy hết mình vì nghiệp lớn của Đại Thanh, cũng không ngừng nỗ lực vì sự hưng vượng của gia tộc.

Dù là thành công của một cá nhân hay sự hưng vượng của một gia đình, tất thảy đều nhờ sự chăm chỉ của đôi bàn tay mà có được.

Vào năm Hàm Phong thứ tư, Tăng Quốc Phiên viết một phong thư gửi cho các em của mình. Trong đó viết:

"Anh em, con cháu trong gia đình, phải lấy hai chữ ‘cần cù’ làm gia đạo. Cả nhà cần cù thì dù vào thời loạn cũng có thể hưng thịnh. Tự mình cần cù thì dẫu cho có là kẻ ngốc cũng mang phong thái của bậc hiền trí".

Một bức thư khác của vị quan họ Tăng gửi cho người con trai thứ hai Tăng Kỷ Hồng cũng từng nhắc đến chữ "cần" này. Ông dạy rằng: Dù là thứ đẹp nhất trên thế gian hay là thứ khó theo đuổi nhất thiên hạ, nếu có cần cù, chăm chỉ thì tất sẽ đạt được.

Trong ba đạo răn dạy đời sau, cần cù chính là yếu tố trọng yếu thứ hai được Tăng Quốc Phiên nhắc tới. 

Ông quan niệm, con người ta nếu muốn có thực lực, muốn an ổn, tường hòa thì nhất định phải chăm chỉ.Ngược lại, một người nếu như đã dưỡng thành tính lười biếng, thì càng nhiều khuyết điểm rồi sẽ thi nhau mà kéo tới.

Từ xưa tới nay, có nhiều người thường hay than phiền xã hội bất công, hận mình sinh ra chẳng gặp thế gặp thời. Kỳ thực đó chỉ là một trong vô số những lý do người ta tự đặt ra để tiêu trừ ý chí và sự chăm chỉ của mình mà thôi. Nếu cứ tiếp tục như vậy, những người này sẽ mãi chẳng làm nên trò trống gì.

Tăng Quốc Phiên cho rằng, phúc hay họa vốn là việc do trời định, nhưng chăm chỉ và nỗ lực lại có thể thay đổi phúc phận của bản thân và gia đình. Mỗi ngày chăm chỉ một chút, mỗi ngày nỗ lực thêm một chút, thu hoạch của chúng ta sẽ ngày một nhiều thêm.

Vì vậy, mỗi gia đình phải có ít nhất một đôi bàn tay chăm chỉ, mới có thể đảm bảo cuộc sống yên ổn không sa sút. Hơn nữa, nếu cả nhà đều là những con người cần cù, thì gia tộc ấy chẳng mấy chốc sẽ hưng thịnh vượt bậc.

Tuy nhiên, nếu cả gia đình thi nhau lười biếng, thì cho dù có ngồi trên núi vàng núi bạc rồi cũng có ngày miệng ăn núi lở mà thôi!

Lấy 3 chữ làm luật, viên quan nhà Thanh xây dựng được một đế chế nức tiếng gần xa - Ảnh 3.

Thường lấy chữ "cần" làm lẽ để răn mình, Tăng Quốc Phiên đã dành cả sự nghiệp của mình để cống hiến cho cho triều đình nhà Thanh và hết lòng hy sinh vì sự hưng thịnh của gia tộc. Tranh minh họa.

3. Chữ "thứ"

Tương truyền rằng, Tử Cống năm xưa từng hỏi Khổng Tử một câu:

"Có một chữ nào mà suốt đời có thể làm theo được không? "

Khổng Tử đáp:

"Nếu có một chữ này, thì đó có lẽ là chữ ‘thứ' chăng?"

Một đời của Tăng Quốc Phiên đặc biệt sùng bái chữ "thứ", thường lấy chữ ấy làm lẽ tự răn mình. Ông cho rằng, lấy cái tâm dịu dàng, khoan hậu thì có thể khiến bản thân và người khác cảm thấy vui vẻ. Đó mới chính là "đạo" của nhân sinh.

Tăng Quốc Phiên cũng từng nói:

"Tự phúc, tự quý, tự thành, tự vinh, tự dự, tự thuận, đây là những thứ ta thích, cũng là tất cả niềm vui của đời người.

Tự bần, tự tiện, hồi bại, tự nhục, tự hủy, tự nghịch, đó là những thứ ta ghét, cũng là tất cả tệ hại của đời người.

Ta muốn từng bước tạo dựng được chỗ đứng, thì phải biết người khác cũng cần có chỗ đứng, đó gọi là ‘lập’.

Ta muốn có được điều gì, thì cũng phải nhớ người khác cũng muốn có được thứ đó, đấy gọi là ‘đạt’."

Lấy 3 chữ làm luật, viên quan nhà Thanh xây dựng được một đế chế nức tiếng gần xa - Ảnh 4.

Là một Nho gia gốc Hán vĩ đại, Tăng Quốc Phiên từng trở thành một trong ba vị đại thần cao nhất của triều đình. Một trong những yếu tố thành công của bản thân ông và cũng là bí quyết giúp nhà họ Tăng có nhiều người tài cao, học rộng có thể gói gọn thông qua một chữ "thứ". Ảnh minh họa

Mỗi người đều có cá tính của riêng mình. Trong quá trình giao lưu với người khác, bản thân mỗi chúng ta phải học cách thông cảm chứ không phải là chỉ trích lẫn nhau.

Một điều có thể dễ nhận thấy chính là, con người ta có thể dễ dàng tha thứ cho người ngoài, nhưng nhiều khi lại hay để bụng với người nhà. Gia đình càng muốn tường hòa, người nhà càng phải học được chữ "thứ".

Cùng người nhà nói chuyện không cần quá lớn tiếng, không nên trì triết cái sai của ruột thịt, càng không cần chấp nhặt việc nhỏ với người thân thiết, mà phải dùng tấm lòng rộng lượng để đối đãi với gia đình trước tiên.

Nên nhớ, nhà không phải là chỗ để tranh luận mà là nơi cần sự tôn trọng và thấu hiểu!

Các bậc làm bố, làm mẹ có đôi khi không tán thành ý tưởng của con cái, nhưng cũng không nên vì vậy mà gạt bỏ tất cả. Con trẻ có chỗ nào chưa đúng, có lời nào chưa phải cũng đừng vội vàng nổi nóng.

Có câu tấm lòng lương thiện nhất là tấm lòng biết thứ tha. Một nhà mà con trẻ hiếu thuận người lớn, người lớn thấu hiểu con trẻ, cả nhà thông cảm lẫn nhau, dành những lời tốt đẹp cho nhau, vậy làm sao có thể không hưng vượng cho được?

Có đạo hiếu, có sự cần cù, có lòng tha thứ, đem "hiếu", "cần", "thứ" khắc ghi trong lòng, tạo thành hành động, truyền lại cho con cháu, như vậy gia đình trên dưới thuận hòa, trước sau hưng thịnh. Đó cũng chính là "gia đạo" của gia tộc nhà Tăng Quốc Phiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại