Tên lửa đạn đạo liên lục địa
Vũ khí chính của thành tố trên mặt đất trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III, đã ở trong trang bị từ cuối những năm 1960. Loại tên lửa này có khả năng mang theo 3 đầu đạn W78 công suất 340 kiloton hoặc một đầu đạn W87 công suất 400-475 kiloton.
Trong gần nửa thế kỷ hoạt động, tên lửa Minuteman III đã được nâng cấp nhiều lần. Các nhà thiết kế thường xuyên đổi mới hệ thống dẫn đường, động cơ, hệ thống điện tử, cũng như phương tiện vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Minuteman III có đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật ấn tượng. ICBM này có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 13.000km. Trong ngân sách quốc phòng cho năm 2019 (716 tỷ USD), Mỹ đã phân bổ một khoản tiền lớn cho việc hiện đại hóa kho vũ khí ICBM phóng từ hầm.
Theo Nhà Trắng, các ICBM này sẽ phục vụ cho đến năm 2030. Hiện nay, Mỹ chưa tìm ra phương án nào thay thế chúng. Tuy nhiên, người Mỹ hiểu rằng, đã đến lúc cần một loại tên lửa mới.
Trong khi đó, Giáo sư Sergey Sudakov, Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga cho biết: “Sau khi Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu các vũ khí chiến lược hiện đại của Nga trong Thông điệp Liên bang vào ngày 1-3 năm nay, thế giới hiểu rằng, Washington đang ở phía sau Moscow.
Mỹ ngay lập tức phân bổ một khoản ngân sách đáng kể với hy vọng phát triển được những vũ khí tương tự như vũ khí của Nga". Theo ông, hiện Mỹ tăng cường phát triển nhóm vệ tinh trên quỹ đạo.
Điều này cho thấy, Lầu Năm Góc đã nối lại các nghiên cứu về vũ khí siêu thanh. Việc điều khiển tên lửa siêu thanh đến mục tiêu rất khó khăn vì khi ở tốc độ cao, tên lửa này sẽ bị mất kiểm soát. Và càng có nhiều vệ tinh dẫn đường cho tên lửa, càng có nhiều khả năng tên lửa sẽ đánh trúng mục tiêu.
Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy, người Mỹ đang tích cực phát triển lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ để tạo ra một loại vũ khí với một phạm vi bay không giới hạn.
Máy bay ném bom
Thành phần trên không trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ là 20 máy bay tàng hình B-2A Spirit và 70 máy bay ném bom B-52H Stratofortress. B-2A Spirit được chế tạo vào những năm 1990 và sẽ phục vụ thêm 2-3 thập kỷ nữa.
Tuy nhiên, Quân đội Mỹ chỉ có 20 chiếc máy bay này. Trong khi đó, B-52H Stratofortress đã được sản xuất từ năm 1952. Chiếc mới nhất của dòng B-52H Stratofortress cũng đã có 56 năm phục vụ trong Không quân Mỹ.
Thế hệ máy bay ném bom chiến lược tiếp theo của Không quân Mỹ sẽ là máy bay tàng hình hạng nặng B-21 Raider. Tập đoàn Northrop Grumman hiện đang phát triển chúng. Dự kiến, B-21 Raider sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
Về hình thức bên ngoài, B-21 Raider khá giống B-2 Spirit vì cả hai dự án đều được phát triển dựa trên khái niệm về một chiếc máy bay tàng hình cận âm, được chế tạo theo sơ đồ "cánh bay" (sơ đồ không có cánh ở đuôi và chiều dài thân máy bay bị giảm) và có khả năng mang theo tên lửa hoặc bom.
Một trong những nhiệm vụ chính của loại máy bay ném bom này, ngoài việc thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân, là âm thầm bay đến khu vực phóng tên lửa hoặc thả bom để tiêu diệt các hệ thống phòng thủ của địch. Sau khi đặt kẻ thù trong tình trạng không được bảo vệ, B-21 sẽ tạo điều kiện cho đơn vị hàng không chiến thuật hoạt động trong điều kiện tương đối an toàn.
Tuy nhiên, đơn vị hàng không chiến thuật của Mỹ đang gặp trở ngại về vũ khí trang bị. Tên lửa hành trình với đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không duy nhất của Mỹ là AGM-86B. Được tạo ra vào những năm 1980, loại tên lửa này mang theo đầu đạn công suất 200 kiloton và có tầm bắn khoảng 2.500km.
AGM-86B kém hơn nhiều so với tên lửa cùng loại Kh-102 của Nga, đã gia nhập biên chế vào năm 2013. Kh-102 mang theo các đầu đạn có công suất từ 250-500 kiloton và có phạm vi bay hơn 3.000km. Đồng thời, người Mỹ cũng đang tích cực cải tiến bom hạt nhân B61.
Tháng 8-2017, Mỹ đã thử nghiệm phiên bản nâng cấp lần thứ 12. Phiên bản này cho phép bom hạt nhân B61 có thể có thể được thả ở vị trí cách xa mục tiêu, thay vì thả ở ngay trên mục tiêu. Dự kiến, B61-12 sẽ được trang bị cho Quân đội Mỹ vào năm 2019-2020. Hiện nay, trong kho vũ khí của đơn vị hàng không chiến lược Mỹ chủ yếu là phiên bản 7 và 11 của bom hạt nhân B61.
Tàu ngầm mang tên lửa chiến lược
Thành tố trên biển được đánh giá là mặt mạnh nhất trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. 18 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Ohio trong thành phần Hải quân Mỹ được trang bị 24 tên lửa đạn đạo Trident I và Trident II.
Tên lửa Trident I mang theo 8 đầu đạn chiến đấu công suất 100 kiloton. Trident II mang theo 14 đầu đạn công suất 100 kiloton hoặc 8 đầu đạn công suất lên tới 475 kiloton. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là “xương sống” của lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược Mỹ.
Theo các nhà phân tích phương Tây, hơn một nửa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nằm trong các ống phóng của tàu ngầm lớp Ohio.
Hiện nay, Mỹ đang phát triển tàu ngầm chiến lược lớp Columbia để thay thế tàu ngầm lớp Ohio lỗi thời. Dự kiến, chiếc đầu tiên của lớp này sẽ gia nhập thành phần Hải quân Mỹ vào năm 2031.
Khác với “người tiền nhiệm”-tàu ngầm lớp Ohio, tàu ngầm lớp Columbia chỉ có 16 ống phóng và sở hữu lò phản ứng hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời phục vụ. Vũ khí chính của tàu ngầm chiến lược lớp Columbia là tên lửa Trident II phiên bản D5./.