Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần năm qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi các cuộc đàm phán hoà bình giữa đôi bên cũng đóng băng từ đầu tháng 4 năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây thời gian qua liên tục "bơm" vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mới nhất, cả Mỹ lẫn Đức đều đồng ý chuyển giao xe tăng chủ lực M1 Abrams và Leopard 2A6 cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Có được lời hứa cung cấp "vũ khí cần thiết trước mắt", phía Ukraine còn yêu cầu được Mỹ viện trợ cho họ máy bay chiến đấu hiện đại F-16.
"Một nhóm quan chức quân sự đang âm thầm thúc đẩy Lầu Năm Góc nhanh chóng phê chuẩn quyết định gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine" – trang Politico dẫn 3 nguồn thạo tin với vấn đề.
Theo một quan chức DoD và hai người khác (đều yêu cầu giấu tên) trong cuộc, sở dĩ họ thúc đẩy sớm chuyển máy bay chiến đấu F-16 để "Ukraine bảo vệ bầu trời và giành lại vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga".
Các nguồn thạo tin nhận định rằng dù Mỹ gửi F-16 cho Ukraine cũng "không sợ leo thang xung đột và dẫn tới chiến tranh hạt nhân", bởi vì nó chỉ được xem như "vũ khí thông thường", trừ khi họ gửi F-22 hay F-35.
Mỹ đang thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Ảnh: Không quân Mỹ
Các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại rằng Ukraine sắp hết tên lửa để bảo vệ bầu trời. Một khi kho vũ khí cạn kiệt, các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga sẽ có thể tiến vào và Kiev sẽ gặp bất lợi.
Các máy bay chiến đấu hiện đại có thể là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. F-16 mang tên lửa không đối không có thể bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái. Không giống như Patriots và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia mà phương Tây hiện đang triển khai, các máy bay chiến đấu có thể cơ động nhanh chóng để bảo vệ các mục tiêu khác nhau.
Đánh giá về khả năng liệu Washington có gửi cho Kiev máy bay chiến đấu F-16 trong thời gian tới hay không, một quan chức cấp cao DoD, nói: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ không phản đối", song người này nhấn mạnh rằng: "Vẫn chưa có quyết định cuối cùng".
Người khác quen thuộc với vấn đề cho biết có thể mất "nhiều tuần" để Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng, cũng như phê duyệt việc tái xuất khẩu F-16 từ các quốc gia khác sang Ukraine.
Phát ngôn của Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên nhưng cho biết "Mỹ sẽ thảo luận ‘rất cẩn trọng’ với Kiev và các đồng minh về F-16".
Trong khi đó, người phát ngôn của DOD nhấn mạnh: "Chúng tôi không có gì để thông báo về F-16. Như thường lệ, chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine, các đồng minh và đối tác quốc tế của chúng tôi về nhu cầu hỗ trợ an ninh của phía Kiev".
Dẫu phía giới chức Mỹ còn kín tiếng nhưng trang tin Politico đánh giá việc cung cấp F-16 cho Ukraine có khả năng giành được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ ở Đồi Capitol. Tại đây, cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không chủ động hoặc chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, chẳng hạn như tên lửa tầm xa.
Chưa có quyết định cuối cùng, song về phía Ukraine đã lên danh sách 50 phi công sẵn sàng tham gia huấn luyện vận hành F-16. Đây là những phi công dạn dày kinh nghiệm, nói tiếng Anh tốt và cũng từng tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng Mỹ trước khi nổ ra chiến sự hồi cuối tháng 2-2022.