Mỹ đã bắt đầu hiện đại hóa lực lượng hạt nhân để đáp trả các hành động tương tự của Nga và có kế hoạch hoàn thành chương trình này vào năm 2030.
Điều này được ông Robert Sufer, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo trên trang web của Lầu Năm Góc.
“Rõ ràng Nga đã tham gia vào quá trình hiện đại hóa lực lượng trước đó và còn phía Mỹ thì vẫn chưa bắt đầu. Do đó, không thể nói rằng các chương trình hạt nhân của Mỹ đã dẫn đến việc hiện đại hóa hạt nhân của các nước”, ông Sufer cho biết.
Theo ông Sufer, Mỹ đang “trên đà chuyển từ giai đoạn khái niệm sang giai đoạn kỹ thuật để thực sự nghiên cứu sâu về các hệ thống này”. “Đến khoảng năm 2030, Nga và Trung Quốc sẽ chứng kiến toàn bộ sức mạnh hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ”, ông Sufer cho biết thêm.
Đồng thời, ông Sufer cũng cáo buộc Nga mở cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân “phi chiến lược”.
Trước đó, các tuyên bố về “mối đe dọa từ Nga” được các chính trị gia phương Tây thường xuyên lên tiếng, như đến từ các nước Baltic và Ba Lan.
Về phía mình, Moscow nhiều lần nhấn mạnh Nga sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ quốc gia nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, NATO hoàn toàn nhận thức rõ điều này, nhưng họ chỉ đơn giản là “lấy cớ” để triển khai thêm quân gần biên giới Nga. Moscow nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc mở rộng lực lượng quân sự NATO ở châu Âu.
Đại sứ Nga tại Washington đáp trả cáo buộc của Lầu Năm Góc
Mới đây, bình luận về cáo buộc của Lầu Năm Góc về cuộc chạy đua vũ trang, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov chia sẻ với RIA cho rằng, hệ thống răn đe hạt nhân toàn cầu đang bị mất ổn định do quyết định của Mỹ đưa đầu đạn hạt nhân vào biên chế chứ không phải do những hành động của Moscow.
Đại sứ Antonov lưu ý quan chức Lầu Năm Góc đang sử dụng các lập luận buộc tội để biện minh cho chính sách của Washington trong việc hạ “ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Đặc biệt, ông Antonov chỉ ra rằng, chúng ta có thể nói về việc triển khai đầu đạn công suất thấp W76-2 trên tên lửa đạn đạo Trident II đã được Mỹ thực hiện vào năm ngoái.
“Các tàu sân bay của Mỹ được trang bị vũ khí như vậy và trong tương lai sẽ trở thành vũ khí trên chiến trường”, ông Antonov nói.
Cũng theo Đại sứ Antonov, ông Sufer một lần nữa lặp lại “luận điểm xa vời của Mỹ” rằng Nga đã phát triển học thuyết “giảm leo thang vũ khí hạt nhân” và đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
“Chúng tôi muốn mời đại diện Lầu Năm Góc và những người “nghiệp dư” khác tự do diễn giải học thuyết hạt nhân của Nga trên “cơ sở các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân” được xuất bản vào ngày 2/6.
Tài liệu xác nhận rằng chính sách hạt nhân của Nga hoàn toàn mang tính chất phòng thủ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Nga tại Mỹ cho biết, đồng thời, mời đại diện Lầu Năm Góc thiết lập “đối thoại trực tiếp” về các vấn đề ổn định chiến lược.
Học thuyết mới của Nga ngụ ý rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào nước này. Theo đó, có 4 kịch bản Nga sẽ ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, khi kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhắm vào Nga hoặc các đồng minh của Moscow.
Thứ hai, trong trường hợp các vũ khí thông thường (tức không phải hạt nhân) “đe dọa sự sống còn của Nga”.
Thứ ba, chính phủ Nga nhận được "thông tin đáng tin cậy" cho biết kẻ thù sắp tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của Nga.
Thứ tư, khi kẻ thù gây hư hại cho các cơ sở quân sự hoặc cơ sở hạ tầng chính phủ quan trọng của Nga đến mức có thể phá vỡ năng lực trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng, chính sách răn đe hạt nhân của Nga được mô tả “về bản chất là phòng thủ” và được thiết kế nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trước kẻ thù.