Mỹ muốn có vũ khí hạt nhân "hiệu suất thấp"
Thông tin trên trích từ Bản đánh giá tình trạng hạt nhân của Lầu Năm Góc bị rò rỉ ra công chúng từ tháng trước. Đây là đánh giá lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây, khi nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đang tăng cao.
Bản đánh giá đề xuất phát triển loại vũ khí "năng suất thấp", với sức công phá nhỏ hơn so với thông thường bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm. Loại vũ khí mới này có thể được sử dụng trong "những tình huống cực đoan" bao gồm cả các cuộc tấn công phi hạt nhân ở quy mô lớn.
Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis viết trong bản báo cáo, việc phát triển vũ khí hạt nhân nhằm mở rộng kho vũ khí của nước Mỹ trước những động thái tăng cường năng lực quân sự của Nga và Trung Quốc, căng thẳng trên bán đảo Triền Tiên và những diễn biến khó đoán liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran. Bản đánh giá nhận định các loại vũ khí có sức công phá nhỏ hơn sẽ nâng cao độ tin cậy cho kho vũ khí của Mỹ.
"Việc Mỹ cân nhắc mở rộng các lựa chọn cho kho vũ khí hạt nhân bao gồm các loại vũ khí có sức công phá nhỏ hơn, rất quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ và đáp trả lại sự tấn công từ kẻ thù," trích bản đánh giá 10 trang.
Cũng theo bản đánh giá, "Những đề xuất này nhằm tăng cường tính linh hoạt và đa dạng cho năng lực hạt nhân của nước Mỹ. Các loại vũ khí mới được đề xuất đều tuân thủ các hiệp ước và thỏa thuận hạt nhân nước Mỹ đã kí…"
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Newport News (phải) của Mỹ, nằm cạnh tàu ngầm USS Boise tại Trạm hải quân Norfolk ở Virginia (Ảnh: Getty)
Không tấn công hạt nhân vẫn có thể bị đáp trả bằng hạt nhân
Bà Beatrice Fihn, Giám đốc Chiến dịch quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, nhận xét: "Đây là động thái rất nguy hiểm khi nước Mỹ đang hạ thấp các tiêu chuẩn đối với vũ khí hạt nhân. Quyết định này đẩy nước Mỹ vào tình thế vô tình hoặc hữu ý sử dụng vũ khí hạt nhân nhiều hơn".
Cùng ngày 2/2, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Pat Shanahan bác bỏ quan điểm này. Thứ trưởng Shanahan lập luận rằng bản đánh giá này chỉ là một hành động thông thường trong chính sách hạt nhân của nước Mỹ đã được áp dụng từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Shanahan nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc: "Một số người sẽ cho rằng bất kỳ sự mở rộng quy mô kho vũ khí dù bằng cách gì đi nữa, đều làm tăng khả năng sử dụng vũ khí này. Thực tế, việc này có nghĩa ngược lại".
Phát triển các vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp cho phép nước Mỹ tránh được những "giới hạn" của chính sách "một loại vũ khí phù hợp mọi cuộc tấn công" và không vi phạm hiệp định nào mà nước Mỹ đã kí kết. Ông cũng nhấn mạnh rằng ý nghĩa "chính sách lâu dài" mà vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đối phó với một cuộc tấn công không hạt nhân nghiêm trọng là "mang tính ổn định".
"Đề xuất này sẽ làm giảm khả năng sử dụng hạt nhân," Shanahan nói. "Nước Mỹ không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân".
Lầu Năm Góc (Ảnh: Getty)
Nước Mỹ hùng mạnh hơn?
Ông John Rood, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách, nói rằng quân đội Mỹ đang muốn dành "một khoản ngân sách vừa phải" cho các loại tên lửa đạn đạo năng suất thấp "trong thời gian tới đây" – đề cập ngay từ bản dự thảo ngân sách chính phủ vào năm 2019.
Việc tái sử dụng các loại tên lửa hành trình phòng từ tàu ngầm có vẻ là một kế hoạch dài hạn hơn. Ông Rood cho biết chính phủ cần nghiên cứu về chi phí và thời gian phát triển cho loại vũ khí này.
Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng bản đánh giá sẽ lấp đầy những lỗ hổng về năng lực hạt nhân và giúp nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn.
Bà Michaela Dodge, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Quỹ Heritage, nhận định Nga tin rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất cao để đối phó lại vụ tấn công quy mô nhỏ và mức độ thấp. Vì vậy, loại vũ khí năng suất thấp sẽ phù hợp hơn.
"Trong suy nghĩ của những nước khi tấn công Mỹ, họ có thể tránh được sự phản công nếu sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất thấp trong những tình huống nhất định. Cũng giống như nước Mỹ mất đi các loại vũ khí thông thường," bà Dodge nói.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng chiến lược mới của Lầu Năm Góc đánh dấu một sự thay đổi toàn diện so với chính sách thời tổng thống Barack Obama hồi năm 2010.
Ngoài hai loại vũ khí mới đề xuất - bao gồm cả việc thay thế tên lửa hành trình Tomahawk được trang bị vũ khí hạt nhân đã ngừng sử dụng vào năm 2013 - khẳng định rằng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đối phó với tình huống "cực đoan" đáng lo ngại .
"Bản đánh giá hồi năm 2010 đã thu hẹp vai trò và sứ mệnh vũ khí hạt nhân trong chiến lược của nước Mỹ," theo ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí. "Còn bản đánh giá mới rõ ràng đã mở rộng vai trò và sứ mệnh của vũ khí hạt nhân. Nó đã thể hiện rất rõ vai trò của vũ khí hạt nhân đã vượt ra việc đối phó với vũ khí hạt nhân của kẻ thù. Bây giờ nó còn được sử dụng để chống lại các mối đe dọa chiến lược phi hạt nhân nữa".
Việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cái gì đó giống như một cuộc tấn công không gian mạng lớn cũng làm tăng nguy cơ "sụp đổ chính phủ" một cách đáng kể. Đây là nhận định của ông Ernest Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng dưới thời tổng thống Barack Obama, và cựu thượng nghị sĩ Sam Nunn, đồng chủ tịch của Sáng kiến mối đe dọa hạt nhân.
"Nếu một cuộc tấn công không gian mạng kiểm soát phần lớn mạng lưới điện của nước Mỹ, liệu chúng ta có thể nhanh chóng và tự tin xác định được quốc gia tấn công [để đáp trả] hay không?"
Quy trình tấn công hạt nhân của Mỹ diễn ra như thế nào?
Nguy cơ chạy đua vũ trang toàn cầu
Các nhà phê bình cũng cho rằng đề xuất bổ sung các loại vũ khí mới vào kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân toàn cầu, khiến các nước như Nga và Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp kho vũ khí cho tương xứng.
Bản đánh giá của chính quyền ông Trump cũng xem xét lại kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm trị giá 1.2 nghìn tỷ USD, nhằm hiện đại hóa 3 loại vũ khí chiến lược: máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền. Đây là khoản chi phí mà một số nghị sĩ cho là quá cao, kể cả khi chưa có loại vũ khí mới.
"Bản đánh giá hạt nhân đưa Mỹ theo hướng nguy hiểm, làm suy yếu tư thế phòng thủ của chúng ta, và làm trầm trọng hơn những khó khăn về ngân sách quốc gia. Quốc hội Mỹ hiện không thể tài trợ cho kế hoạch không thực tế lên tới 1.2 nghìn tỷ USD chỉ để nâng cấp vũ khí hạt nhân. Bằng cách yêu cầu bổ sung các loại vũ khí hạt nhân mới và nâng cao năng lực không cần thiết, tổng thống Donald Trump đang khiến cho vấn đề này tồi tệ hơn," theo nghị sĩ Adam Smith - người đứng đầu của phe Dân chủ tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
Nhưng các nhà lập pháp quan trọng của đảng Cộng hòa lại hoan nghênh kế hoạch mới và nói rằng Quốc hội cần phải tìm ra nguồn ngân sách cần thiết. Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cam kết sẽ cung cấp "nguồn tài chính bền vững" cho kế hoạch của Lầu Năm Góc.