Lầu Năm góc muốn dự trữ nam châm đất hiếm cho tên lửa, máy bay quân sự

Bình Giang |

Quân đội Mỹ có kế hoạch dự trữ nam châm đất hiếm sử dụng cho tên lửa Javelin và máy bay chiến đấu F-35, Reuters dẫn các tài liệu của chính phủ Mỹ đưa tin.

Giới phân tích cho rằng bước đi này không có mấy tác dụng trong việc hình thành một ngành công nghiệp nội địa để làm ra loại nam châm chuyên được sản xuất ở châu Á.

Lầu Năm góc đang tìm kiếm các đề xuất để lưu trữ nam châm NdFeb, loại nam châm đất hiếm được dùng trong ngành chế tạo vũ khí, nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp đất hiếm. Bắc Kinh đang sử dụng thế mạnh này trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington.

Lầu Năm góc muốn tìm ai đó có thể dự trữ số lượng số pin này đủ sử dụng trong 6 tháng và duy trì nó trong ít nhất 30 tháng. Nó không hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp nam châm NdFeB, nên các nhà phân tích công nghiệp cho rằng điều này là sai lầm thiển cận của Lầu Năm góc.

“Chúng tôi chờ đợi lời kêu gọi này sẽ kích thích năng lực sản xuất trong nước”, ông Peter Afiuny, làm việc tại Urban Mining Co, một công ty tư nhân chuyên sản xuất đất hiếm ở Austin, bang Texas, nói.

Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nhà sản xuất nam châm NdFeB lớn nhất thế giới. Không có loại nam châm chuyên biệt nào được sản xuất ở Mỹ, dù Phòng thí nghiệm Hải quân Mỹ sáng chế ra sản phẩm này vào đầu những năm 1980.

Tuần trước, Reuters đưa tin Lầu Năm góc đang tài trợ cho các cơ sở chế biến đất hiếm. Nhưng sau khi đất hiếm được khai thác, chúng phải được làm thành nam châm, nếu không cũng không có mấy giá trị đối với ngành sản xuất thiết bị điện tử và vũ khí.

Lầu Năm góc không bình luận gì về thông tin này.

Năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo quân đọi cập nhật chuỗi cung ứng trong ngành vật liệu này, cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào nước khác có thể làm tổn hại quốc phòng của Mỹ.

Lầu Năm góc có kế hoạch chi 10 triệu USD cho chương trình mới. Mỗi đơn vị sẽ nhận được tối đa 3 triệu USD, theo văn bản mà Reuters có được.

Chưa rõ tại sao Lầu Năm góc chỉ muốn duy trì nguồn cung đủ cho 30 tháng và khối lượng cũng như cấp độ nam châm họ muốn là gì.

“Chính phủ ta thường di chuyển chậm chạp trừ khi xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng thì mới có hành động khác thường để giảm nhẹ”, ông Steve Constantinides, một chuyên gia tư vấn trong ngành đất hiếm ở Mỹ, nói.

Vì hãng Hitachi Metals đang giữ bằng sáng chế nam châm NdFeB, đề nghị của chính phủ Mỹ có thể để gửi tới công ty Nhật Bản này. Urban Mining, một doanh nghiệp mới khởi nghiệp ở Texas, cho biết dây chuyền sản xuất nam châm NdFeB của họ đang tái chế từ các nam châm cũ.

Hitachi chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc và các nơi khác nữa, nhưng không có ở Mỹ. Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện vẫn sản xuất loại nam châm này với giá rẻ nhất thế giới.

Lầu Năm góc thừa nhận rằng nếu không có nguồn đất hiếm nội địa nào đủ để dự trữ, họ có thể phải sử dụng các nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng Quốc hội Mỹ năm nay thông qua luật cấm Lầu Năm góc sử dụng nam châm sản xuất ở Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Nga, khiến chuỗi cung ứng phức tạp thêm.

Ước tính Lầu Năm góc sẽ cần chi khoảng 50 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm ở Mỹ. “Đó là khoản chi nhỏ nếu chúng ta có chiến tranh với Trung Quốc, vì khi đó chúng ta không thể gọi Trung Quốc để bảo họ cung cấp nam châm đất hiếm”, ông Ed Richardson, thành viên Hội vật liệu đất hiếm Mỹ, nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại