Theo thông báo được đăng tải vào đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nghiên cứu sẽ tập trung vào các khu vực "ngoài Đông Âu và Tây Nga", nơi được coi là tâm điểm của việc triển khai vũ khí hạt nhân trong mô phỏng. Dự án do Quân đoàn Công binh Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kỹ sư (ERDC) dẫn đầu.
Theo thông báo, ERDC đã chọn Terra Analytics, một công ty có trụ sở tại Colorado chuyên về phân tích và hình ảnh hóa dữ liệu nâng cao, làm nhà thầu. Tuy nhiên, thông báo nêu rõ các nhà thầu tiềm năng khác cũng được mời chia sẻ đề xuất của họ nếu họ có thể cung cấp các dịch vụ tương tự.
Thông báo liệt kê các yêu cầu mà nhà thầu phải đáp ứng, bao gồm cung cấp nhân sự, thiết bị, cơ sở vật chất, giám sát và các hạng mục khác cần thiết để tiến hành nghiên cứu.
Ngoài ra, nhà thầu sẽ cần kết hợp lập bản đồ trên không vào mô phỏng và mô hình hóa một kịch bản trong đó "sự kiện hạt nhân không phá hủy" diễn ra. Chi phí của hợp đồng đã được ấn định ở mức 34 triệu USD.
Thông báo không cho biết cụ thể Lầu Năm Góc sẽ làm gì với nghiên cứu này. Tuy nhiên, lệnh nghiên cứu được đưa ra vào thời điểm có ngày càng nhiều các cuộc thảo luận về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân do xung đột ở Ukraine và sự bất hòa ngày càng gia tăng giữa NATO và Nga.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và khối quân sự do Mỹ dẫn đầu có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Washington và Moskva là 2 quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với lần lượt khoảng 5.000 và 5.500 đầu đạn.
Tháng trước, tờ New York Times đưa tin chính quyền Mỹ đã phê duyệt một phiên bản mới của chiến lược hạt nhân. Theo tờ báo này, chiến lược đã yêu cầu lực lượng Mỹ chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.