Cụ thể, vào ngày 23-9, Tổng thống Trump khiến các quan chức "đứng ngồi không yên" khi một lần nữa từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình dù người đắc cử là ai. Hai ngày sau, ông tiếp tục "thêm dầu vào lửa" bằng cách nói rằng ông không chắc cuộc bầu cử sẽ "minh bạch".
Phát biểu của ông Trump, cộng với việc ông từng bày tỏ muốn viện dẫn Đạo luật Chống nổi loạn 1807 để đưa quân đội dập tắt các cuộc biểu tình phản đối vụ sát hại ông George Floyd, khiến các quan chức quân đội cấp cao và lãnh đạo bộ quốc phòng quan ngại sâu sắc. Họ khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để lực lượng vũ trang không can thiệp vào cuộc bầu cử.
Đại tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói: "Trong trường hợp có xung đột quanh cuộc bầu cử, theo luật pháp, các tòa án và Quốc hội Mỹ được yêu cầu giải quyết mâu thuẫn chứ không phải quân đội. Lực lượng vũ trang Mỹ không có vai trò gì trong quá trình này".
Tuy nhiên, tuyên bố này không thể ngăn chặn một cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt trong nội bộ quân đội về vai trò của họ trong trường hợp mâu thuẫn trong bầu cử dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự.
Vào ngày 11-8, hai cựu binh John Nagl và Paul Yingling công bố một lá thư mở gửi cho Tướng Miley với nội dung: "Trong vài tháng tới, ông có thể phải lựa chọn giữa việc bất tuân một tổng thống bất hợp pháp hoặc phản bội lại lời thề hiến pháp. Nếu ông Trump từ chối chuyển giao quyền lực khi hết nhiệm kỳ, quân đội Mỹ buộc phải dùng vũ lực và ông phải là người ra lệnh đó".
Các quan chức Lầu Năm Góc nhanh chóng trả lời đây là điều phi lí. Theo lời họ, không bao giờ có chuyện chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cử lực lượng SEAL hay hải quân đưa ông Trump ra khỏi Nhà Trắng. Nếu cần thiết, nhiệm vụ trên sẽ được giao cho Cảnh sát Tư pháp Mỹ hay Cơ quan Mật vụ.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao giấu tên tại Lầu Năm Góc thừa nhận họ đang trao đổi với nhau xem nên làm gì nếu ông Trump sử dụng Đạo luật Chống nổi loạn và cố đưa quân đội xuống đường như ông từng đe dọa khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát nổ ra.
Khi đó, cả Tướng Miley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đều phản đối ý tưởng này nên ông Trump đã xuống nước.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. Đạo luật Chống nổi loạn cho phép tổng thống cử lực lượng quân đội dập tắt xung đột bất chấp sự phản đối của các thống đốc. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết nhiều tướng lĩnh cấp cao của ông Trump có thể từ chức, bắt đầu từ ông Miley, nếu quân đội được huy động trong nước trong thời gian bầu cử.