Washington Times nhận định, thông tin này hoàn toàn trái ngược với các nghiên cứu trước đây của Lầu Năm Góc vốn cho rằng việc xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc mang tính chất phòng thủ và chỉ giới hạn trong việc phát triển lực lượng quân sự nhằm đáp trả Đài Loan.
“Trong thập niên tới, kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, hiện ước tính khoảng 200 đơn vị, dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi khi Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân”, Washington Times trích tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Đồng thời, theo Washington Times, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường tiềm lực của các căn cứ quân sự nước ngoài.
Theo tài liệu trên, tất cả những dấu hiệu đáng báo động này cho thấy Bắc Kinh đang phấn đấu cho vị thế của một siêu cường toàn cầu.
“Số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc và có khả năng đe dọa Mỹ sẽ tăng lên đến 200 đơn vị trong 5 năm tới”, tài liệu dự báo.
Lầu Năm Góc cũng ghi nhận những thành công to lớn của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trên một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó báo cáo lưu ý một số lĩnh vực Trung Quốc không những đuổi kịp mà còn vượt Mỹ.
Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện bao gồm một số lượng lớn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đặt trong hầm chứa và ICBM trên cơ sở di động, cũng như một số vũ khí công nghệ cao mới, bao gồm tên lửa mang nhiều đầu đạn và tàu lượn siêu thanh tốc độ cực cao.
Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách về Trung Quốc Chad Sbragia cho biết báo cáo này là lần đầu tiên thông tin tình báo Mỹ đưa ra về số lượng đầu đạn của Trung Quốc.
Theo Washington Times, kho vũ khí gồm hơn 400 đầu đạn vẫn sẽ nhỏ hơn kho dự trữ chiến lược hiện tại của Mỹ là 1.550 đầu đạn đã được triển khai.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc dường như đang thay đổi chiến lược hạt nhân của mình, từ nguyên tắc không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột vũ trang, Bắc Kinh đang chuyển sang chiến lược “phóng khi cảnh báo” tức là tên lửa hạt nhân được phóng khi có dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra.
“Sự tích tụ hạt nhân đáng báo động này cho thấy sự cần thiết phải để Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán giới hạn vũ khí giữa Mỹ và Nga. Và đây chính xác là điều mà chính quyền ông Trump đang momg muốn, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối”, ông Sbragia nhận định.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang mở rộng căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất ở Djibouti trên bán đảo Somali rất quan trọng về mặt chiến lược và cũng đang xem xét thiết lập các căn cứ mới để sử dụng sức mạnh trên khắp thế giới.
Các địa điểm tiềm năng bao gồm Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan.
Trong khi đó, Phó chủ tịch công ty phân tích Vision Centric Inc, ông James Hove cho biết đến năm 2025, Trung Quốc có thể đuổi kịp Nga và Mỹ về số lượng đầu đạn hạt nhân.
Theo tính toán của chuyên gia này, trong vòng 5 năm tới Trung Quốc sẽ có tối thiểu 1.382 và tối đa là 2.058 đầu đạn hạt nhân.
“Theo số liệu chính thức không có thay đổi gì trong 30 năm nay, Trung Quốc có 180-260 đơn vị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo thông tin không chính thức, số lượng đầu đạn trong kho vũ khí của Trung Quốc dao động từ 1.500 đến hơn 3.000 đơn vị. Đến năm 2035, con số này có thể lên tới 5.000 đầu đạn”, ông Hove nhấn mạnh.