“Tàu sân bay Mỹ Gerald R. Ford có giá thành 12,9 tỷ USD cuối cùng cũng sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 22/7 tới đây. Đây là thời hạn chậm hơn so với kế hoạch và các khoản chi phí cũng đội lên nhiều.
Tuy nhiên, con tàu này vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động tác chiến. Hải quân Mỹ có thể nhanh chóng đưa tàu vào tác chiến nhưng như thế sẽ phải bỏ qua giai đoạn thử nghiệm sức chịu đựng với các vụ nổ ở dưới nước”- Business Insider (BI) viết.
Chính vì vậy, theo BI, chỉ vì sự vội vàng này người đóng thuế ở Mỹ sẽ phải móc thêm hầu bao để trả cho những sai sót, hỏng hóc của con tàu khi được đưa vào khai thác.
Trong bản báo cáo của Tổng cục Kiểm soát ngân sách Mỹ có đề cập đến việc do những tính toán chưa chính xác, giá thành của tàu sân bay Gerald R. Ford đã vượt quá so với kế hoạch 2,4 tỷ USD.
Cơ quan này cho rằng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất mang tên John F. Kennedy đang được đóng cũng có thể bị đội giá khá nhiều so với tính toán ban đầu.
BI đã đưa ra một vài ví dụ điển hình để chứng minh cho nhận định của mình. Cụ thể, tàu sân bay Gerald R. Ford đã trở thành nỗi thất vọng vì chi phí đóng tàu gia tăng mạnh, việc thử nghiệm liên tục bị kéo dài và khả năng chiến đấu lại thấp hơn tính toán.
Trong bản báo cáo năm 2015, Tổng cục Kiểm soát ngân sách Mỹ cho biết, việc kiểm tra các công nghệ mang tính then chốt đối với con tàu đã bị trì hoãn vài năm. Dù việc đóng con tàu vẫn tiếp tục được tiến hành nhưng những gì nhận được là không thỏa đáng và chi phí lại tốn hơn dự tính ban đầu.
Tàu sân bay Gerald R. Ford không phải là ví dụ duy nhất. Hồi tháng 4/2017, Tổng cục Kiểm soát ngân sách Mỹ đã đề xuất tạm ngừng cung cấp tài chính cho việc đóng 12 chiến hạm với giá trị 9 tỷ USD để thay thế cho các tàu chiến tác chiến ở vùng gần bờ (Littoral combat ship) đang gặp nhiều vấn đề.
Theo cơ quan này, việc ngừng cung cấp tài chính cần thực hiện cho đến khi có đủ các thông tin về giá thành, cấu trúc và khả năng tác chiến của các con tàu mới.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ đang đề nghị Quốc hội Mỹ cấp tiền cho việc đóng các con tàu mà gần như sẽ không có điểm gì khác biệt so với các con tàu trước đó hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, các xưởng đóng tàu để đóng các con tàu này có thể sẽ không đủ về số lượng để đảm nhiệm đóng thêm tàu mới.
Tuy nhiên, theo BI, dường như các cảnh báo này không được đoái hoài đến. Hải quân Mỹ vẫn có kế hoạch gia tăng số lượng tàu chiến từ 275 chiếc lên 350 chiếc, bất chấp ngân sách năm 2018 không có khoản chi cho nội dung này.
Một ví dụ điển hình khác là máy bay tiêm kích mới nhất F-35 của Mỹ, máy bay được truyền thông Mỹ gắn cho biệt danh “sai lầm nghìn tỷ USD”. Lầu Năm góc đã tiếp nhận vào biên chế khá nhiều máy bay F-35 bất chấp việc nhà sản xuất vẫn chưa bổ sung các thay đổi vào cấu trúc máy bay và chưa loại bỏ được các nhược điểm của máy bay này.
“Các vấn đề đối với F-35 vẫn đang tồn tại cho đến nay. Thời gian chế tạo máy bay này dài hơn thời gian dự định là 7 năm và chi phí đội lên so với kế hoạch là 38%” - BI viết.