VKSND tỉnh Đắk Lắk để xảy ra sai sót
Đối tượng Nguyễn Xuân Lộc 2 lần ra tay giết người vào các năm 2011 và năm 2016 nhưng đều thoát tội nhờ bệnh án tâm thần do Viện Giám định Pháp y tâm thần TƯ - Phân viện phía Nam chứng nhận.
Trong tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định Nguyễn Xuân Lộc có tiền sử bị tâm thần nên tòa đồng ý áp dụng biện pháp chữa bệnh và sẽ xử lý sau.
Việc tuyên án dựa vào cáo trạng của VKSND tỉnh và kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cùng lời khai của người bị hại.
Trước nghi vấn Nguyễn Xuân Lộc “giả điên” sau khi giết người mà Báo Lao Động đã từng phản ánh, VKSND Tối cao đã vào cuộc kết luận, có dư luận và báo chí nêu Lộc “giả điên”, vẫn sống ngoài xã hội, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, sử dụng ôtô đi chơi… nhưng Cơ quan Điều tra, VKSND tỉnh Đắk Lắk không có biện pháp giám định lại đối với Nguyễn Xuân Lộc…
"Trách nhiệm thuộc về ông Lê Quang Tiến - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, ông Phạm Quang Hưng - Trưởng phòng, và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk” - trích kết luận thanh tra đột xuất tại VKSND tỉnh Đắk Lắk do VKSND Tối cao thực hiện.
Lộc ra tay giết người như thế nào?
Truy ngược hồ sơ về đối tượng Nguyễn Xuân Lộc, có thể thấy rõ đây là đối tượng nguy hiểm, sẵn sàng hành xử côn đồ, dùng vũ khí nóng cướp đoạt mạng sống của người khác.
Điều nay thể hiện vào năm 2011, tại huyện Cư Jút (Đắk Nông), Lộc chính là kẻ chủ mưu chỉ đạo trực tiếp 8 đối tượng đánh chết anh Y Nhôih (SN 1976) và đánh Y’GrinYa (SN 1986, trú Cư Jut) thương tích 19% trong lần đầu tiên gặp mặt.
Vụ án này đã được thể hiện trong kết quả điều tra của Cơ quan công an Đắk Nông và VKSND tỉnh.
Đáng nói, chỉ 3 tháng sau khi ra tay giết người, Lộc có giấy chứng nhận pháp y tâm thần do Viện Giám định Pháp y tâm thần của T.Ư phân viện phía Nam thực hiện và yêu cầu bắt buộc phải đi chữa bệnh.
Từ kết luận này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút sau đó đình chỉ điều tra đối với Lộc.
Theo lý thường, Lộc bị tâm thần thì cơ quan chức năng và người thân phải đưa đối tượng này đi chữa bệnh hoặc giám sát, tuy vậy đối tượng này lại có thể nộp hồ sơ và thi bằng lái xe ô tô.
Tài liệu PV có được thể hiện, 3 năm sau (mở từ 22.10.2013 đến ngày 15.1.2014 - PV), trong thời điểm được cho là Lộc đang chữa bệnh, trong danh sách cùng 59 học viên học lái xe hạng B2 do Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (trụ sở tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) tổ chức, có tên Nguyễn Xuân Lộc. Lộc sau đó trải qua thi sát hạch và được cấp bằng B2.
Thi đậu bằng lái xe B2 không lâu, Lộc xuống TPHCM mua súng K59 để phòng thân. Đây là chi tiết bất thường, chỉ người bình thường đủ tỉnh tảo để mua súng và phòng theo bên người.
Cũng với khẩu súng này, Lộc đã tiếp tục gây ra cái chết của anh Nguyễn Anh Kha vào tối 20.1.2016.
Bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - mẹ của nạn nhân Nguyễn Anh Kha - kể, tối hôm đó, Lộc điều khiển ôtô chở nhóm bạn đến ăn tối tại một quán phở tại TP.Buôn Ma Thuột. Tại đây Lộc gây sự với con bà Lan rồi cùng đồng phạm rút súng bắn con bà tử vong.
Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ nạn nhân, gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì cho rằng Lộc giả điên sau khi giết con bà.
Tại biên bản hỏi cung (ngày 23.5.2016 - PV) sau khi Lộc cùng đồng bọn nổ súng giết hại anh Nguyễn Văn Kha, Lộc khai: "Bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo, khả năng nhận thức rõ ràng, đủ điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành làm việc".
“Nay tôi đã nhớ lại hoàn toàn sự việc và tự nguyện khai báo với cơ quan công an để mong hưởng khoan hồng của pháp luật về tội mình gây ra” - trích biên bản hỏi cung giữa Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk và đối tượng Lộc vào ngày 23.5.2016.