"Yết hầu quan trọng trên biển"
Kênh đào Panama cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, với chiều dài 80 km, rộng 150 m và tàu trọng tải 40.000 tấn có thể qua lại. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 14.000 tàu thuyền đi qua kênh đào Panama, và mang theo trên 203 triệu tấn hàng hóa.
Giới chuyên gia nhận định, kênh Panama đóng vai trò "then chốt" trong giao thương hàng hải quốc tế. Việc sử dụng tuyến đường biển đi qua kênh đào này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Âu tới các bang miền Tây nước Mỹ và từ Đông Á tới các bang miền Đông nước Mỹ. Kênh đào Panama còn được nhiều nước trong khu vực sử dụng để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với các thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á.
Kênh đào Panama ngày nay (Nguồn: Xinhua)
Năm 1903, sau khi Panama giành được độc lập từ tay Colombia, Mỹ đã gạt bỏ các nước khác để giành độc quyền khai thác và "quyền thuê nhượng vĩnh viễn" kênh đào Panama. Năm 1904, Mỹ tiếp tục công trình với hơn 75.000 lao động và 400 triệu USD đầu tư tài chính.
Ngày 15-8-1914, kênh đào được khánh thành và sau khi đưa vào sử dụng, mỗi năm Mỹ thu lợi khoảng 100 triệu USD, đồng thời Mỹ đã xây dựng các căn cứ và triển khai lực lượng quân sự tại khu vực kênh đào, thiết lập "quốc gia trong quốc gia".
Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Panama trong nhiều thập kỷ đòi thu hồi chủ quyền kênh đào, năm 1977, Mỹ đã phải ký Hiệp định Torrijos-Carter, quy định lộ trình hủy bỏ khu vực kênh đào đặc quyền của Mỹ, tăng thêm nhân lực người Panama vào việc quản lý khai thác kênh đào và dần dần nhượng lại cho Panama.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, luôn thường trực việc thâu tóm Panama, bởi lẽ: (1) Mỹ muốn tiếp tục duy trì việc quản lý và khai thác tiềm năng, lợi ích từ kênh đào Panama; coi kênh đào này là một trong những "yết hầu quan trọng” trên biển. (2) Liên quan đến chiến lược toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là tham vọng "làm chủ" hoàn toàn khu vực "sân sau" Tây bán cầu. Do đó, Mỹ không muốn Panama rơi vào tay kẻ khác và cũng không chấp nhận chính phủ Panama "không phục tùng" Mỹ.
Cựu điệp viên hai mang
Năm 1970, Manuel Noriega, một nhân vật đang nổi lên trong quân đội Panama, đã được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển dụng để hỗ trợ nước này chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Mỹ.
Noriega đã tham gia vào đường dây buôn bán ma túy và bị xóa khỏi biên chế của CIA vào năm 1977. Sau khi chính quyền Marxist của Sandinista lên nắm quyền vào năm 1979, Noriega đã được đưa trở lại đội ngũ CIA.
Năm 1983, ông ta trở thành vị tướng quân sự, đứng đầu Lực lượng vệ binh quốc gia Panama (sau này được gọi là Lực lượng phòng vệ Panama - PDF). Khi đó, Noriega đã ủng hộ các sáng kiến của Mỹ ở Trung Mỹ, đổi lại, ông được Nhà Trắng ca ngợi hết lời dù năm 1983 một ủy ban của Thượng viện đã kết luận Noriega là "trùm buôn lậu ma túy".
Năm 1984, Noriega đã "gian lận" trong cuộc bầu cử Tổng thống Panama nhằm ủng hộ ông Nicolas Ardito Barletta, người sau đó trở thành tổng thống bù nhìn. Tuy nhiên, tướng Noriega vẫn tiếp tục được chính quyền Tổng thống Reagan ủng hộ vì đánh giá cao sự trợ giúp của ông trong nỗ lực lật đổ chính phủ Sandinista của Nicaragua.
Năm 1986, chỉ vài tháng trước khi vụ bê bối Iran-Contra bị tiết lộ, những cáo buộc liên quan đến quá khứ "buôn bán ma túy, rửa tiền" và từng làm "nhân viên" cho CIA của Noriega đã xuất hiện.
Tuy nhiên, điều gây sốc nhất là các thông tin cho rằng, Noriega làm điệp viên hai mang cho cơ quan tình báo Cuba và Sandinista. Chính phủ Mỹ đã chối bỏ mọi liên hệ với Noriega, năm 1988, ông một lần nữa bị bồi thẩm đoàn liên bang ở Dallas và Miami (Mỹ) cáo buộc về tội buôn lậu ma túy và rửa tiền.
Chiến tranh can thiệp kiểu mới của Mỹ
Nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước, căng thẳng giữa Mỹ và PDF ở khu vực kênh Panama ngày một gia tăng. Năm 1989, tướng Noriega đã hủy bỏ cuộc bầu cử vốn nhiều khả năng sẽ đưa Guillermo Endara lên làm Tổng thống Panama.
Ông Manuel Noriega vui mừng sau khi thoát khỏi vụ đảo chính hụt tháng 10-1989
Ngày 15-12-1989, tướng Manuel Noriega công bố "trình trạng chiến tranh" trên toàn quốc. Tổng thống George H. Bush đã yêu cầu bổ sung quân đội Mỹ đến khu vực kênh đào Panama. Ngày 16-12-1989, khi đang làm nhiệm vụ, một lính Hải quân Mỹ đã bị bắn chết tại khu vực rào chắn của PDF. Ngày hôm sau (17-12), đơn vị tác chiến đặc nhiệm đầu tiên của Mỹ được lệnh hành quân đến Panama.
Binh lính Mỹ đang tìm kiếm tướng Noriega (Nguồn: Reuters)
Ngày 20-12-1989, Tổng thống G. Bush đã cho phép tiến hành chiến dịch "Just Cause" (tạm dịch "Sự nghiệp chính nghĩa", tiền thân là kế hoạch Blue Spoon "Chiếc thìa xanh"). Đây được xác định là cuộc xâm chiếm Panama của người Mỹ nhằm lật đổ Noriega.
Trong cuộc chiến này, lực lượng quân đội Mỹ bao gồm 27.000 quân, tổ chức thành 4 đơn vị đặc nhiệm, được trang bị vũ khí và phương tiện hiện đại như xe tăng M441A1 Sheridan, xe thiết giáp chiến đấu, hàng trăm máy bay và trực thăng yểm trợ, trong đó có máy bay tiêm kích tàng hình F-117, máy bay tiêm kích EF-111, các máy bay vận tải C-130, C-5, C-141,...
Ở chiều ngược lại, lực lượng Panama gồm 12.800 quân, các đơn vị lục quân được trang bị xe thiết giáp chở quân V-150/300, súng máy phòng không 4 nòng ZPU-4, súng cối 600 mm M2, 82 mm M-29, súng trường tự động AK-47. Hải quân được trang bị 8 tàu tuần tra ven biển, 5 tàu đổ bộ và 2 tàu bảo đảm hậu cần. Không quân có 3 phi đội, được trang bị 37 máy bay các loại, trong đó có 21 trực thăng vận tải UH-1. Lực lượng cảnh sát có khoảng 5.000 người.
Trong quá trình chiến dịch, quân đội Mỹ không chỉ tiến hành các trận ném bom mà còn dùng súng máy bắn vào đám đông dân chúng tập hợp trên các đường phố, xe cộ của người dân đang đi lại hoặc dùng các xe tăng đè nát xe hơi... hay dùng súng phun lửa đốt cháy nhiều nhà ở của dân địa phương và trong suốt một tuần lễ sau khi kết thúc chiến dịch quân sự, tình trạng tội phạm hoành hành, cướp bóc bị bỏ mặc, không được trấn áp bởi lực lượng quân sự...
Không những vậy, trong quá trình tác chiến, để bưng bít dư luận, Bộ Chỉ huy Mỹ đã ra lệnh chặn các ngả đường dẫn tới các khu vực chiến sự, chỉ cho phép các nhóm phóng viên đặc biệt (được lựa chọn trước) lấy tin và tác nghiệp trong các căn cứ quân sự Mỹ. Phóng viên các hãng thông tin đại chúng nước ngoài không nằm trong nhóm đặc biệt này đều bị bắt giữ.
Với quân số áp đảo (3,29/1), trong đó có một nửa đã triển khai sẵn ở Panama và ưu thế về vũ khí quân sự, lực lượng tác chiến Mỹ theo nhiều hướng xuất kích đã tiến thẳng đến dinh thự, bắt giữ tướng Manuel Noriega và đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Ngày 31-1-1989, chiến dịch kết thúc, phần thắng nghiêng hoàn toàn về phía Mỹ.
Xe bọc thép Mỹ đột kích bộ chỉ huy Lực lượng phòng vệ Panama năm 1989 (Nguồn: Reuters)
Chiến dịch can thiệp quân sự vào Panama của Mỹ trả giá bằng mạng sống của 26 người Mỹ, trong đó có 23 lính và 3 dân thường; 324 người bị thương, tốn chi phí khoảng 163 tỷ USD (khoảng 200 tỷ USD hiện nay).
Còn về phía Panama, tổn thất vô cùng nặng nề: 314 lính thiệt mạng, 124 lính thị thương, hơn 200 dân thường bị chết, hơn 20.000 người bị mất nhà cửa, tổn thất khoảng 2 tỷ USD. Quân đội Panama đã bị Mỹ xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn một số bộ phận nhỏ sau này được "tuyển dụng lại" trong biên chế của lực lượng bán quân sự có tên gọi "Lực lượng cộng hòa".
Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Nghị viện Châu Âu đã chính thức phản đối cuộc xâm lược mà họ lên án là một sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.
Chiến dịch "Sự nghiệp chính nghĩa" của Mỹ vào Panama thực chất là điển hình của kiểu chiến tranh can thiệp mới, xâm lược đất nước có chủ quyền, bất chấp Hiến chương của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, một sự thể hiện điển hình chính trị cường quyền của Mỹ.
Link gốc bài viết tại đây.