Nổ súng trong rừng sâu
Sau 5 năm thụ án về tội "Trộm cắp tài sản", Đặng Văn Lợi (1962, trú Hoài Nhơn, Bình Định) trở về quê lấy vợ sinh con.
Năm 1992, trong ngày thôi nôi con mình, Lợi mời bạn bè tới chung vui, sau đó mâu thuẫn với một người bạn rồi rút dao đâm chết bạn. Gây án xong Lợi bỏ lại vợ dại con thơ rồi trốn biệt tăm vào các tỉnh phía Nam.
Năm 2014, tức sau 22 năm trốn truy nã, hồ sơ vụ án của Lợi đã được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) CA tỉnh Bình Định nghiên cứu, lên kế hoạch truy bắt.
Đại úy Phạm Thế Hưng cho biết, do đối tượng trốn đi rất lâu lại không liên lạc với gia đình vì thế tổ TS phải đi nhiều địa phương rà soát các mối quan hệ của đối tượng.
Truy tìm mãi từ Nam ra Bắc, cuối cùng tung tích của Lợi được xác định ở ngay H. Đồng Xuân (Phú Yên).
Khi tiếp cận địa bàn, các TS thu thập được thông tin Lợi đã lấy vợ hai, có 3 con, làm "lâm tặc" thường xuyên ở trong lán trại tận rừng sâu, rất ít khi về nhà.
Tại địa phương, khi nhắc tới Lợi, ai cũng nói Lợi hiền lành, không rượu chè cờ bạc, sống thân thiện, giúp đỡ mọi người, không làm ai mất lòng.
Mặc dù đã xác minh Lợi đang làm nghề khai thác gỗ trong rừng sâu khu vực giáp ranh 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai, tuy nhiên trong đó có hơn 20 lán trại của các nhóm khai thác gỗ, việc truy tìm Lợi ở lán trại nào không hề dễ.
Đại úy Hưng kể, anh và 3 TS khác chia làm 2 tổ vào vai cán bộ bảo vệ rừng đi từng lán trại nhắc nhở phải cẩn thận củi lửa, khai thác rừng đúng quy định pháp luật...
Đường đi vào các lán trại rất khó khăn, dốc dựng đứng, cảm giác xe máy có thể lật ngửa ra đằng sau bất cứ lúc nào.
Sau khi đã đi hơn 20 lán trại, tới lán trại cuối cùng nằm sâu hun hút trong rừng mới phát hiện ra nơi đối tượng trú ẩn. Biết chính xác nơi ẩn náu của Lợi cùng địa hình các TS rút ra khỏi rừng về lên phương án để tiến hành vây bắt.
Kế hoạch vạch ra, các TS lần lượt vào vai người thu mua lâm sản, mua gỗ để đặt vấn đề tiếp cận với Lợi.
Khi các TS tới lán của Lợi lúc này đối tượng đang ngồi ăn cơm với khoảng 30 người trong nhóm của mình, dao rựa đi rừng để ngổn ngang dưới chân.
Đại úy Hưng bình tĩnh hỏi chuyện một cách thoải mái rồi tới choàng vai Lợi nói nhỏ: "Anh Lợi hôm rồi trúng gỗ pơ mu hên quá, ra em nói cái này tí".
Lúc đó đối tượng hơi ngờ ngợ nhưng chưa nghi. Khi đã khéo léo tách đối tượng ra khoảng 100m, bất ngờ các TS khống chế, còng tay đối tượng, thông báo y đã bị bắt.
Lúc ấy một số thanh niên đang ăn cơm nhổm dậy, có ý định dùng rựa giải vây. Ngay lập tức TS nổ súng chỉ thiên, cho biết lực lượng CSTN đang làm việc, yêu cầu tất cả lùi lại.
Quá trình áp giải Lợi từ rừng sâu ra H. Đồng Xuân rất gian nan, mất gần 3 giờ vì đường đi vừa xa, dốc lại dựng đứng.
Đại úy Hưng kể, khi qua dốc Cổng Trời, xe máy gần như lộn nhào, mặc dù 2 bánh xe phải cuốn xích vào lốp để khỏi trơn trượt, phía sau xe phải 3 nhún (xe được chế chuyên chở gỗ).
Vừa áp giải đối tượng các TS vừa phải nương tựa khéo léo bởi nếu ngã, đối tượng có thể lợi dụng bỏ chạy vào rừng sâu hoặc chẳng may gãy chân tay đối tượng cũng sẽ rất phiền phức.
Ra tới H. Đồng Xuân, các TS thở phào nhẹ nhõm. Khi đưa đối tượng lên ô-tô về Bình Định nhiều người dân trong làng của Lợi đã ùa ra, người khóc thương, người quyên tiền ủng hộ, bởi không ai ngờ và tin rằng Lợi sống hiền lành như thế lại từng là một sát nhân.
Độc chiêu "rắn lột xác"
Năm 1984, Trịnh Viết Thưởng (1959, quê Vũ Thư, Thái Bình) lái xe cho một Cty lâm sản ở Đắc Lắc, khi chở hàng tới TX An Nhơn (Bình Định) thì gây tai nạn làm 4 người chết.
Trong quá trình thụ lý án tù giam, Thưởng đã bỏ trốn, tới năm 1988 thì bị CA tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định) phát lệnh truy nã toàn quốc.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong vụ án này, khi làm việc với cơ quan CA, Thưởng không khai tên mình mà khai là Trịnh Viết Hưởng (là tên em trai).
Thưởng cũng lấy cả tên vợ, con của người em làm lý lịch cho mình. Năm 2015, khi lật lại hồ sơ của Thưởng (với tên Trịnh Viết Hưởng) các TS truy nã của CA tỉnh Bình Định đã về Thái Bình dựng lại mối quan hệ của đối tượng.
Từ đây, tổ TS lần ra thông tin Hưởng đang ở Thanh Xuân, Hà Nội, làm nghề hớt tóc, có vợ làm công nhân quốc phòng, con út đang chịu án phạt vì tội "Bắt giữ người trái phép".
Đại úy Hưng kể, khi tiếp cận Hưởng thì thấy đối tượng rất giống trong ảnh truy nã, hơn nữa trong hồ sơ mới tiếp cận từ CA Hà Nội thể hiện đối tượng từng tham gia vụ bắt giữ người trái phép, bị tù treo, vì thế càng củng cố nhận định 80% đây là đối tượng.
Nhưng với linh cảm nghề nghiệp, khi tiếp cận Hưởng, các TS đã không còng tay mà mời về trụ sở CAP ở Hà Nội để làm việc. Tại đây, qua đối chiếu vân tay của Hưởng với đối tượng trong hồ sơ truy nã lại không trùng nhau.
Nhanh chóng rà lại các mối quan hệ của Hưởng, TS phát hiện ra Hưởng có người anh trai tên Trịnh Viết Thưởng đang ở TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Một tổ TS từ Bình Định tức tốc được cử lên Đắc Lắc.
Tại đây, khi mời Thưởng lên CAX làm việc, Thưởng nói lâu nay mình chỉ lo làm ăn, không biết người em có phạm tội gì không.
Quan sát kỹ thái độ của Thưởng khi làm việc, TS thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, đơn cử như đang làm việc, Thưởng xin ra ngoài nghe điện thoại rồi bỏ chạy.
Lúc này, nghi vấn từ Hưởng bắt đầu được TS chuyển về phía Thưởng. Khi ép Thưởng vào làm việc, tổ TS nối máy điện thoại mở loa ngoài để Thưởng và Hưởng nói chuyện.
Thưởng bảo Hưởng hãy nhận tội đi, nhưng Hưởng bảo em có làm nên tội gì đâu mà anh bảo nhận. Nghe đến đây, Thưởng bắt đầu lắp bắp.
Vừa lúc ấy, vợ Thưởng thấy chiều đã muộn mà chồng chưa về nên đến CAX tìm. Thấy vợ Thưởng, tổ TS liền tách ra làm việc, vận động.
Một hồi sau, người vợ khuyên chồng: "Anh à, thôi bây giờ anh nhận tội đi, đừng đổ oan cho chú nó nữa". Lúc này Thưởng mới cúi đầu thừa nhận, kể lại độc chiêu "rắn lột xác" của mình.