Cách tết khoảng một tháng, các vườn trồng mai xuân đông đúc người đi lặt lá. Tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), người dân chủ yếu kiếm thu nhập nhờ vào việc bán mai dịp tết nên nghề thời vụ lặt lá mai cũng rất sôi động.
Chị Phan Thị Hiền (xã Nhơn An) chia sẻ: “Cứ xong mùa vụ đồng áng thì tôi cùng nhiều phụ nữ trong làng kéo nhau đến các vườn mai lặt lá để làm kiếm tiền tiêu tết.
Mỗi ngày tôi kiếm được 120.000 đồng từ nghề lặt lá mai, sáng đến làm thì chiều nhận tiền ngay nên rất khỏe. Nghề này đơn giản nhưng đòi hỏi không được để rụng búp, vì nếu rụng thì cây cảnh sẽ hỏng, không có hoa dịp tết thì chủ vườn la rầy”.
Nghề lặt lá mai ở Bình Định vào vụ tết thu hút rất đông phụ nữ tham gia. (ảnh: D.T)
Nghề lặt lá mai tết chỉ trong khoảng mươi ngày nên nhiều nhà vườn phải tập trung nhân lực để “đánh nhanh rút gọn”. Các chủ vườn mai luôn phải huy động tổng lực gia đình hoặc thuê mướn thêm nhân công mới kịp tiến độ.
Từng gốc mai sum suê lá, chen chúc khắp cành là những nụ hoa, nghề lặt lá mai đơn giản nhưng phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo để tránh làm gãy nụ.
Đặc biệt, người lặt lá mai thường phải đứng liên tục nên nếu không quen việc thì rất dễ… mỏi gối, đau lưng. Giá nhân công thạo việc được trả bình quân 120.000 đồng/ngày, xong đợt lặt lá mai mỗi người có thể kiếm 1 - 3 triệu đồng.
Theo chủ vườn mai Bùi Văn Khoa (44 tuổi, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), ngoài việc bỏ ra 7 triệu đồng thuê mặt bằng bán mai tết thì gia đình anh còn tốn tiền thuê nhân công lặt lá mai để hoa nở đúng hẹn.
“Mỗi năm gia đình tôi thuê nhân công lặt lá với mức thù lao dao động từ 120.000 - 160.000 đồng/ngày/người. Đây là lao động phổ thông vùng nông thôn, chỉ làm theo thời vụ nên tìm người cũng không khó.
Thường thì tôi tìm người quen biết và tận tâm với công việc để cây không bị ảnh hưởng, ra hoa đúng dịp tết. Năm nay vườn nhà tôi dự kiến bán ra 180 chậu mai với giá tiền rất phải chăng, mỗi chậu dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng” - anh Khoa cho hay.
Tham gia tổ nhóm lao động để được bảo vệ
"Rất nhiều lao động nông thôn vừa ra thành phố làm việc bị bắt nạt, thậm chí là hành hung vì bị cho là "cướp cơm" của người cũ. Ngoài ra, một số người còn bị lừa đảo, phụ nữ thì bị lạm dụng tình dục...
Chính bởi vậy, chị em cần kết nối với các tổ nhóm nơi có đông lao động di cư làm cùng nghành nghề để có thể được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Đặc biệt, khi gặp khó khăn còn có thể tìm kiếm thông tin hỗ trợ".
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light)
Nên tìm kiếm việc làm qua trung tâm
"Hiện nay rất nhiều trung tâm dịch vụ việc làm công tại các tỉnh thành phố lớn có tổ chức các phiên giao dịch hàng ngày giới thiệu việc làm cho lao động phổ thông.
Nhiều công việc thời vụ như: Bán hàng, vận chuyển hàng, dọn vệ sinh công nghiệp, bảo vệ... có mức lương khá cao chính vì vậy lao động tự do có thể qua các trung tâm này để được giới thiệu những việc làm an toàn.
Mức lương cho những công việc lao động thời vụ, không có kỹ năng nghề dao động từ 4-7 triệu, tùy thuộc vào thời gian làm việc".
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Tiền công nhiều, rủi ro càng cao
"Hơn 7 năm làm việc tại Hà Nội, tôi thấy rằng, công việc cho thu nhập càng cao thì rủi do càng lớn. Ví dụ như tôi chạy xe ôm công nghệ, nếu như một ngày chỉ chạy 6-8 tiếng thì đỡ mệt, nhưng nếu chạy nhiều hơn thì nguy cơ va chạm nhiều hơn, xử lý tình huống lúc chạy xe cũng kém hơn.
Đặc biệt không nên nhận cuốc xe ngoài hệ thống, không nên chở khách vào lúc đêm khuya vì như vậy rủi ro, bị cướp rất là cao".
Anh Nguyễn Trọng Hùng - lái xe ôm công nghệ tại Hà Nội
T. A (ghi)