Chỉ còn 8 tuần nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ và cách nước này đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc là chủ đề trọng tâm trong các chính sách và bài phát biểu của các ông Donald Trump và Joe Biden, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
Cả Tổng thống Trump và ứng cử viên Biden đều đã hơn 70 tuổi, do đó điều dư luận quan tâm không chỉ là cuộc bầu cử trước mắt, mà còn cả những ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, theo SCMP, nếu Bắc Kinh hy vọng khoảng thời gian 4 năm tới sẽ giúp làm giảm đi số lượng những người có tư tưởng cứng rắn chống Trung Quốc, thì ít nhất các tín hiệu phát ra từ Đảng Cộng hòa hiện nay cho thấy điều này khó có thể xảy ra.
Một nghị sĩ Cộng hòa đang nổi lên như một gương mặt tiềm năng cho vị trí ứng viên tổng thống vào năm 2024 là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley. Giống như những nghị sĩ khác trong đảng, bà Haley đã trở thành một nhân vật có những phát ngôn chỉ trích mạnh mẽ đối với chính quyền Bắc Kinh kể từ khi bà rời nội các Tổng thống Trump vào năm 2018.
Tạm gác những suy đoán về các ứng cử viên tổng thống tiềm năng trong 4 năm tới sang một bên - bởi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong thời gian tới - điều mà bà Haley đang thể hiện là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Đảng Cộng hòa khi xác định Trung Quốc là mối đe dọa cấp bách trong hiện tại đối với lợi ích của nước Mỹ và một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Bà Haley, 48 tuổi, người nhận trọng trách làm diễn giả chính trong đêm đầu tiên của Hội nghị Đảng Cộng hòa vào ngày 24/ 8 vừa qua, đã sử dụng diễn đàn này để tuyên bố rằng nếu ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden trúng cử sẽ "điều tuyệt vời đối với Trung Quốc".
SCMP cho biết, đội ngũ đảng viên Cộng hòa có quan điểm cứng rắn chống Trung Quốc bao gồm từ đương kim Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho đến các thượng nghị sĩ như Tom Cotton, Josh Hawley và Marsha Blackburn.
Ông Stephen Wertheim, giáo sư lịch sử thỉnh giảng tại Đại học Columbia, cho biết chủ đề chống Trung Quốc đã giúp kết nối thành viên và dung hòa các nhân tố đối lập trong nội bộ đảng Cộng Hòa.
Cũng theo ông Wertheim, "phe theo đường lối Tổng thống Trump" trong đảng đồng thời còn đối mặt với "kẻ thù không phải người da trắng và không đến từ nền văn minh phương Tây", được cho là có thể tác động vào tình cảm dân tộc chủ nghĩa mà ông Trump đã xây dựng bản sắc chính trị cá nhân.
"Ngôi sao chính trị" Haley
Trong một cuốn hồi ký về thời gian làm đại sứ Liên Hợp Quốc, bà Haley hầu như không đề cập gì về Trung Quốc mà tập trung thảo luận về các mối đe dọa từ Nga, Syria, Iran, Israel, Venezuela và Triều Tiên.
Nhưng hiện tại, Trung Quốc là một chủ đề nổi cộm trong các bài viết đăng trên Twitter của cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, bà Haley đã đăng bài trên mạng Twitter về chủ đề Trung Quốc với tần suất 2 ngày/lần với lượng người theo dõi là 680.000 người. Số lượng các bài đăng là 141 bài, gần gấp 3 lần so với con số 50 bài liên quan đến Iran, Nga và Triều Tiên.
Những bình luận của bà Haley về Trung Quốc đại diện cho tiếng nói chung của phe chống Trung Quốc ở Washington: các hoạt động thương mại bất bình đẳng, sự thiếu minh bạch trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19, mối đe dọa quân sự, vấn đề Hồng Kông, cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và hoạt động gián điệp công nghiệp.
Khi được người dẫn chương trình Maria Bartiromo của kênh Fox News phỏng vấn về tham vọng cá nhân vào tháng trước, bà Haley nói rằng vẫn còn "quá sớm để nói trước điều gì".
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Tổng thống Trump. Ảnh: EPA-EFE
Các dự luật của Mỹ
Bên cạnh những động thái của bà Haley, có rất nhiều bằng chứng cho thấy nước Mỹ đang tập trung sự chú ý vào mối đe dọa từ Trung Quốc nhiều hơn trước, trong đó có Quốc hội Mỹ.
Theo dữ liệu do SCMP thu thập, năm 2020 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các dự luật chủ yếu do Đảng Cộng hòa tài trợ có liên quan đến Trung Quốc. Nội dung các dự luật này bao gồm từ vấn đề trừng phạt Bắc Kinh vì cách ứng phó với Covid-19, cho tới các hình thức hỗ trợ Đài Loan và di dời chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi lãnh thổ của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Tổng số dự luật liên quan đến Trung Quốc trong năm nay đã lên tới 157, vượt quá con số 117 trong cả năm 2019 và gần gấp đôi con số 85 trong năm 2018 và 2017. Gần 2/3 số dự luật năm nay không nhận được sự bảo trợ của phía đảng Dân chủ.
Nghị sĩ bang Wisconsin Mike Gallagher là một trong những thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội hoạt động tích cực nhất về vấn đề Trung Quốc: ông này đã đề xuất hoặc là nhà đồng bảo trợ cho 15 dự luật liên quan đến Trung Quốc cho đến nay.
Lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện vào năm 2016 ở tuổi 32, cựu chiến binh ở chiến trường Iraq lập luận, giống như bà Haley, rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chiến tranh lạnh khác. "Dù muốn hay không, một cuộc chiến tranh lạnh mới là sự thực" ông Gallagher viết trong một bài báo được đăng tải trên tờ Wall Street Journal vào tháng 6. "Tốt nhất nên thừa nhận sự thực này hơn là hy vọng vào một mối quan hệ hợp tác mơ hồ."
Sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông vào tháng 6, lập trường của cả 2 nghị sĩ Haley và Gallagher đều trở nên cứng rắn hơn và họ đều chuyển sự chú ý sang vấn đề Đài Loan.
Quan hệ Mỹ- Đài Loan
"Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, nếu nước Mỹ không phản đối việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong, thì Đài Loan sẽ là mục tiêu tiếp theo", bà Haley bình luận trong một bài viết trên nền tảng trực tuyến Medium hồi tháng 7.
Vào ngày 30/6 - ngày luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông có hiệu lực, ông Gallagher đã đề xuất dự thảo về luật Phòng thủ Đài Loan, mà ông đã giải thích trên Twitter là "giúp đảm bảo quân đội Mỹ có đủ khả năng và nguồn lực cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc [dùng vũ lực thu hồi] Đài Loan".
Cả bà Haley và ông Gallagher đều tuyên bố rằng họ không muốn khơi mào chiến tranh với Trung Quốc, mà cách duy nhất để ngăn chặn xung đột là đẩy mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á và tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan.
Trong bài viết trên Medium hồi tháng 7, bà Haley cũng đã kêu gọi chính phủ Mỹ thông qua dự luật do nghị sĩ Gallagher đồng tài trợ, Dự luật Phòng chống xâm lược Đài Loan. Dự luật này dự kiến sẽ trao quyền cho tổng thống Mỹ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Bắc Kinh phát động một cuộc tấn công.
Theo SCMP, việc thông qua dự luật này sẽ phá vỡ tiền lệ hàng thập kỷ về chính sách Đài Loan của nước Mỹ. Kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979, Mỹ đã tuân theo một chính sách được gọi là "chiến lược mơ hồ", theo đó Mỹ chính thức không cam kết đứng ra bảo vệ Đài Loan, nhằm ngăn chặn những thay đổi hiện trạng từ một trong hai bên.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ bà Haley và ông Gallagher, dự luật này cũng được 15 thành viên đảng Cộng hòa khác tại Quốc hội bảo trợ. Điều này phản ánh một sự đồng thuận ngày càng tăng trong đảng Cộng Hòa rằng để đối phó với một Trung Quốc mới, nước Mỹ cần phải thay đổi căn bản các chính sách lỗi thời đang áp dụng.
"Trong khi Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh mới chống lại trật tự của Mỹ, thì chúng ta đã mải nhìn theo hướng khác từ quá lâu", ông Gallagher nhận định trong bài viết trên tờ Wall Street Journal. "Chúng ta có thể lựa chọn: phủ nhận thực tế và bỏ cuộc, hoặc đối đầu và chiến thắng", nghị sĩ này kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: