TopDev, mạng lưới chuyên tuyển dụng nhân sự IT tại Việt Nam, đã thực hiện tổng hợp dữ liệu từ hơn 10.000 ứng viên IT và hơn 500 nhà tuyển dụng trong mạng lưới của họ cùng với trên 3.000 dữ liệu việc làm để đưa ra báo cáo nghề nghiệp quý 2/2018.
Blockchain nóng nhưng AI được áp dụng nhiều hơn
Kết quả thống kê cho thấy, top 5 xu hướng công nghệ được quan tâm trong năm 2018 tại Việt Nam khá gần với xu hướng chuyển dịch của thế giới gồm Blockchain, AI, Fintech, AR/VR và IoT.
Theo đó, dựa trên dữ liệu tuyển dụng của TopDev, công nghệ Blockchain trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới IT Việt Nam khi có hơn 100 công ty và đội nhóm đang phát triển hoặc nhận outsource trên nền tảng blockchain. Và hiện có hơn 5.000 lập trình viên đã và đang dịch chuyến sang công nghệ mới mẻ này.
So với một blockchain đang rất thu hút nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần hoàn thiện mới có thể đi vào thực tiễn thì một AI "trưởng thành" là lĩnh vực đang được áp dụng thực tiễn cao nhất.
Nhu cầu nhân lực ngành IT tiếp tục tăng mạnh
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng công việc IT được đăng tải đã tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, năm 2016 có 18.230 việc làm được đăng tải, tăng 45% so với năm trước. Đến năm 2017 và 2018 thì số việc làm nhảy vọt lên 28.256 và 49.165 việc làm tương ứng với mức tăng 55% và 74% qua từng năm.
Nếu cứ đà này tiếp diễn, thì thị trường lao động sẽ cần 350.000 nhân lực đến trước cuối năm 2021 trong khi với khả năng hiện tại chỉ có khoảng 200.000 lao động đáp ứng được nhu cầu công việc.
Đây là tin vui cho các bạn trẻ đang cảm thấy hứng thú lập nghiệp với ngành IT vì có rất nhiều cơ hội việc làm đang chờ đón.
Ngoài ra, thống kê về nhu cầu nhân sự IT cũng cho thấy: thị trường việc làm IT Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển sang làm sản phẩm hơn là outsourcing như trước kia. Vì vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ đang rất cấp bách.
Theo thống kê của TopDev từ hơn 1.000 khách hàng cho thấy, các nhà tuyển dụng cần những lập trình viên lão luyện hoặc có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, lực lượng này đang chiếm đến 85% nhu cầu nhân lực.
Về phía lập trình viên, có đến 52% dân IT khi được hỏi cho biết sẵn sàng nhảy việc nếu có đề nghị công việc mới với mức lương và phúc lợi tốt hơn. Thông thường thì những lời đề nghị đến từ các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và người quen của các lập trình viên.
Khi tìm hiểu về phân bố sinh học của lập trình viên, thống kê cho kết quả rằng lập trình viên nữ chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn 6% do đặc thù ngành nhưng tỉ lệ này đang tăng trưởng tốt trong vài năm gần đây.
Hầu hết các developper bắt đầu sự nghiệp của mình từ khi còn ở giảng đường đại học. Và lập trình viên đạt độ tuổi 25-34 tuổi hiện chiếm đa số đến 49,2% trong nguồn nhân lực ngành. Thật bất ngờ khi các developer trên 35 tuổi vẫn được các công ty trọng dụng và chiếm tỷ lệ đáng kể đến 17,8%.
Về công việc chuyên môn, lập trình web vẫn đang là vị trí được tuyển dụng nhiều nhất. Trong khi phân tích dữ liệu dần thể hiện nhu cầu ngày càng cao thời gian gần đây. Kèm theo đó, Java và Javascript tiếp tục trở thành ngôn ngữ được quan tâm hàng đầu bởi các nhà tuyển dụng, ngay cả trong năm 2018 này.
Lương 1.300 USD/tháng vẫn muốn nhảy việc
Về thu nhập, các lập trình viên mới sẽ được đề nghị mức lương dao động từ 300 đến 400 USD. Các lập trình viên ở mảng phát triển ứng dụng di động sẽ có mức lương khởi điểm nhỉnh hơn 100 USD, nghĩa là từ 400-500 USD.
Bên cạnh đó, các lập trình viên có kinh nghiệm được nâng tầm lên senior developer sẽ có thể nhận mức lương từ 700-1400 USD. Các vị trí quản lý được ghi nhận mức lương cao nhất dao động trong 2.000 đến 3.000 USD.
|
Khi xét đến mức lương hiện tại của mình, chỉ có 13% lập trình viên thể hiện sự hài lòng. Trong khi con số phần trăm không hài lòng đạt hơn gấp 3 lần: 40%.
Có rất nhiều lý do được viện dẫn để giải thích việc không hài lòng về mức lương. Và thái độ này cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả công việc cũng như mức độ trung thành với công ty. Kết quả này khá hợp lý với con số hơn 50% lập trình viên sẵn sàng nhảy việc khi mức lương thỏa thuận được tốt hơn, như đã đề cập ở trên.
Mặt khác, nếu không chuộng nhảy việc thì vẫn có khá nhiều con đường tăng thu nhập khả thi cho lập trình viên sau mỗi năm làm việc: thưởng nhờ đạt KPI, thăng chức, chính sách mới, kỹ năng mới.
Và nếu như quan tâm đế công việc trong lĩnh vực IT, bạn có thể tìm hiểu thêm các thống kê về đào tạo nguồn nhân lực IT.
Trước hết, kết quả cho thấy chỉ 40% lập trình viên hoàn thành các chứng chỉ chuyên ngành. Phần lớn lập trình viên luôn nỗ lực học thêm ngôn ngữ khác để có cơ hội phát triển sự nghiệp.
Lập trình viên thường tự trau dồi kiến thức từ các khóa học trực tuyến, tích cực cập nhật tin tức và tham gia các sự kiện công nghệ. Trong khi số ít cho biết lựa chọn tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao năng lực.
Tuy các bằng cấp trong ngành IT không quan trọng bằng năng lực thực sự, nhưng các chứng chỉ đặc biệt như quy trình Agile, kỹ năng quản lí dự án… sẽ mang lợi thế lớn khi tìm việc. Dựa trên nhu cầu thực tiễn thì tiếng Anh và tiếng Nhật đang được nhiều lập trình viên theo học.