Vũ khí laser cỡ nhỏ
Không quân Mỹ vừa nhận vũ khí laser gắn trên máy bay chiến đấu đầu tiên, một bước tiến quân sự khiến nhiều người nghĩ đến những thiết bị chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Warzone tháng này đưa tin rằng nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin đã chuyển giao vũ khí laser trên không nhỏ gọn thế hệ mới (LANCE) cho không quân Mỹ vào tháng 2.
Lockheed Martin lưu ý LANCE có kích thước bằng 1/6 các loại vũ khí laser trước đây mà công ty sản xuất cho Quân đội Mỹ và nó đã được giảm trừ sức mạnh để có thể thu gọn kích thước và gắn trong khoang máy bay chiến đấu.
The Warzone ước tính công suất của LANCE vào khoảng dưới 100 kilowatt. Với mức công suất này, nó có thể được triển khai như một vũ khí phòng thủ hoạt động bằng cách đốt cháy đầu dò của tên lửa không đối không.
Mặc dù LANCE có thể đủ mạnh để chống lại các tên lửa đất đối không đang bay tới, nhưng sức mạnh này không đủ cho các mục đích phòng thủ tên lửa, đặc biệt là trước mối đe dọa ngày càng tăng từ vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga.
Trong cuốn sách Directed Energy Weapons năm 2016, Bahman Zohuri lưu ý rằng vũ khí laser phòng không được thiết kế để bắn hạ máy bay, trực thăng và tên lửa trong phạm vi hữu dụng, có khả năng nhắm mục tiêu chính xác các bộ phận quan trọng và bắn liên tục cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt.
Vẫn chưa rõ LANCE sẽ được lắp loại máy bay nào, nhưng bản mẫu của Lockheed Martin cho thấy vũ khí được bố trí trên máy bay chiến đấu F-16. National Interest lưu ý LANCE hoặc các loại vũ khí tương lai cùng loại có thể được lắp trên các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35.
Những vũ khí đó có thể cải thiện khả năng không đối không vốn đã đáng gờm của những chiếc máy bay nói trên, vì tia laser nhanh hơn bất kỳ tên lửa không đối không nào.
National Interest cũng đề cập rằng vũ khí laser có thể làm tăng đặc tính tàng hình của các máy bay, vì chúng có thể giảm tiết diện radar (RCS) khi được sử dụng thay cho vũ khí thông thường.
Vũ khí laser trở lại
Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội năm 2007 lưu ý rằng những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm tạo ra một loại vũ khí laser gắn trên máy bay đã thất bại do các vấn đề về kích thước, trọng lượng và chùm tia.
Dòng vũ khí Airborne Laser (ABL) quá lớn để triển khai tác chiến một cách khả thi, vì nó chiếm quá nhiều không gian trên tàu và máy bay cũng như khó có thể lắp trên các phương tiện trên bộ.
Mô-đun laser của ABL cũng làm giảm phạm vi hoạt động của máy bay và tăng yêu cầu tiếp nhiên liệu trên không, gây thêm khó khăn cho phi đội tiếp nhiên liệu vốn đã quá tải của Mỹ.
Ngoài ra, vũ khí này cũng chịu các yếu tố môi trường, dẫn đến mất công suất laser hướng tới mục tiêu. Những vấn đề trên dẫn đến việc ABL đã không còn được tiếp tục ứng dụng vào năm 2014.
Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ gần đây đồng nghĩa với việc khái niệm vũ khí laser gắn trên máy bay có thể đã trở nên khả thi trở lại.
Trong một cuộc phỏng vấn với các truyền thông năm 2020, Tiến sĩ Rob Afzal, một thành viên cấp cao của Lockheed Martin về hệ thống cảm biến và laser, nói rằng sợi quang học laser và sự kết hợp chùm tia quang phổ giúp cho việc thu nhỏ vũ khí laser trở nên khả thi.
Ông lưu ý rằng sợi quang hiệu quả hơn nhiều trong việc chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng laser và các thiết bị laser sợi quang có thể được vũ khí hóa bằng cách mở rộng sức mạnh.
Sự kết hợp chùm tia quang phổ tập trung một số chùm tia laser nhỏ thành một chùm tia mạnh mẽ cũng đã cho phép tạo ra vũ khí laser nhỏ hơn có thể lắp trên máy bay, phương tiện và tàu.
Những tiến bộ công nghệ này có thể giúp cho LANCE trở thành vũ khí laser chiến thuật khả thi với những vai trò đáng kể.
Một nghiên cứu của Tạp chí Quản lý và Công nghệ Hàng không Vũ trụ năm 2014 lưu ý rằng các tia laser gắn trên máy bay có thể cung cấp khả năng phòng thủ tích cực cho máy bay, bắn hạ các tên lửa không đối không đang bay tới.
Mặc dù những hạn chế về công nghệ hiện tại cũng hạn chế LANCE trong vai trò phòng thủ, nhưng điều đó không có nghĩa là vũ khí này không thể được triển khai trong các vai trò tấn công trong tương lai.
Trong vai trò tấn công, nghiên cứu đề cập rằng những tia laser có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là các mục tiêu điện tử nhạy cảm và mỏng manh như ăng ten vô tuyến, đĩa vệ tinh và máy biến áp, với mức thiệt hại tối thiểu.
Các tia laser cũng có thể được sử dụng trong các hoạt động chống nổi dậy, nhắm mục tiêu vào lực lượng nổi dậy với độ chính xác cực cao mà các loại vũ khí dẫn đường chính xác hiện nay không thể đạt được, đồng nghĩa với việc giảm thương vong cho dân thường.
Nghiên cứu cũng ghi nhận sự thu nhỏ ngày càng rõ rệt của vũ khí laser, điều này có thể cho phép chúng được gắn trên máy bay không người lái và các nền tảng không người lái khác.