Từ tính toán về lý thuyết và thực tiễn sử dụng, pháo nòng dài cỡ 120 đến 125 mm tỏ ra là tối ưu và đã được các nhà chế tạo xe tăng lựa chọn lắp đặt trên các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Trong đó, các nước phương Tây chọn cỡ nòng quy chuẩn 120 mm, còn phía Nga chọn cỡ nòng 125 mm.
Cụ thể, trên các loại xe tăng hiện đại và đang được sử dụng nhiều nhất của Nga như T-72, T-90 đều lắp pháo L/48 2A46 có cỡ nòng 125 mm. Trải qua thực chiến ở một số cuộc xung đột, đặc biệt là tại chiến trường Syria, pháo 125 mm trên tăng đã tỏ rõ hiệu quả và sức mạnh của nó.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo chuẩn bị xuất xưởng.
xe tăng T-14 Armata là loại xe tăng thế hệ mới, kế thừa và phát triển những điểm mạnh của trường phái xe tăng Liên Xô- Nga và có những bước phát triển mang tính đột phá như tháp pháo tự động với hệ thống điều khiển hỏa lực chính xác, chất lượng giáp thép và các thiết bị bảo vệ v.v...
Riêng về vũ khí chính các nhà chế tạo xe tăng Nga vẫn chọn pháo cỡ nòng 125 mm. Tuy nhiên, pháo lắp trên xe tăng T-14 Armata là kiểu L/56 2A82-1M. So với pháo L/48 2A46 thì pháo lắp trên Armata T14 cũng có một số cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả khi bắn.
Thứ nhất, nòng pháo của L/56 2A82-1M dài hơn so với L/48 2A46 khoảng 1 mét. Nhờ vậy, sơ tốc của tất cả các loại đạn bắn ra đều lớn hơn so với khi bắn từ pháo L/48 2A46.
Sơ tốc lớn hơn dẫn đến động năng của đạn lớn hơn làm cho khả năng xuyên lớn hơn và độ chính xác cũng cao hơn.
Theo tính toán lý thuyết, trong những điều kiện như nhau, xác suất trúng khi bắn trên Armata T14 chính xác hơn 15-17%.
Thứ hai, một sự khác biệt rõ nhất và dễ nhận thấy nhất từ bên ngoài là so với các loại pháo lắp trên T-72, T-90 thì pháo lắp trên xe tăng T-14 Armata có một cái nòng thẳng đuỗn, không hề có một đoạn phình ra ở gần đầu nòng. Vậy tại sao lại có sự khác biệt đó?
Xe tăng T-14 Armata của Nga.
Thực chất, đoạn phình ra gần đầu nòng (hoặc ở giữa) các khẩu pháo lắp trên tăng T-90, T-72 và hầu hết các loại xe tăng khác chính là một cái bầu hút khói với tác dụng là hút khói thuốc phóng ra khỏi buồng chiến đấu.
Sở dĩ phải hút khói thuốc phóng ra khỏi buồng chiến đấu là vì khói thuốc phóng là một hỗn hợp gồm nhiều loại khí độc hại như CO2, CO, H2S... nên nếu nó ở trong buồng chiến đấu có thể gây ngộ độc cho các thành viên kíp xe.
Bầu hút khói có cấu tạo gồm vỏ bầu và các lỗ xiên phía trước, lỗ xiên phía sau; trong đó các lỗ xiên phía sau có van một chiều.
Khi đầu đạn đi qua các lỗ xiên phía sau, khí thuốc phóng với áp suất cao tràn vào trong bầu hút khói và bị van một chiều giữ lại.
Khi đầu đạn vượt qua các lỗ xiên trước rồi vọt ra khỏi nòng, khí thuốc phóng trong bầu cũng sẽ phụt ra theo các lỗ xiên trước tạo thành một dòng khí chuyển động về phía trước với tốc độ khá cao. Chính dòng khí này sẽ cuốn theo khí thuốc phóng trong nòng pháo và buồng chiến đấu ra ngoài.
Đối với xe tăng T-14 Armata, vì là tháp pháo tự động, các thành viên được bố trí tại một khoang riêng nên trong tháp pháo không có người nào. Chính vì vậy, không cần thiết phải hút khói thuốc phóng ra ngoài như các loại xe tăng khác và người ta đã bỏ bầu hút khói đi.
Việc bỏ bầu hút khói đi ngoài việc đơn giản hóa về mặt chế tạo cũng có thêm tác dụng là làm tăng áp suất trong nòng khi bắn do không phải trích một phần khí thuốc phóng vào bầu hút khói. Nhờ vậy, góp phần làm tăng sơ tốc đầu đạn cũng như khả năng xuyên phá và độ chính xác khi bắn.
Tổng quan xe tăng T-14 Armata