Sử dụng “sân sau” Viptour – Togi, 138 tỷ đồng của Oceanbank về tay Hà Văn Thắm
Cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và các đồng phạm. Kết luận điều tra cho thấy đã có hàng loạt sai phạm vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Oceanbank.
Bên cạnh khoản vay 500 tỷ đồng cho công ty TNHH MTV Thương mại Trung Dung – nguyên nhân ban đầu mà cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra khi tiến hành khởi tố bắt giam ông Hà Văn Thắm, việc điều tra còn phát hiện ra nhiều khoản cho vay khác tại Oceanbank “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Trong đó là khoản vay có liên quan đến CTCP VipTour – Togi, một công ty do CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) nắm giữ 80% vốn điều lệ, giá trị phần vốn góp 246,8 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp đảm nhận vai trò chủ đầu tư StarCity Westlake tại số 10 Trấn Vũ, quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội. Khu đất vàng Hà Nội ngay sát hồ Trúc Bạch này đến nay vẫn chỉ là nơi trông, rửa xe ô tô.
Dự án Khách sạn bên hồ Tây vẫn chưa hề thành hình. Vậy nhưng từ cách đây 2 năm, Oceanbank đã tài trợ vốn cho hoạt động chuyển nhượng căn hộ tại dự án này.
Đến nay, khu đất này vẫn đang tạm dụng làm nơi rửa xe
Cụ thể, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Thị Lan Hương, Thư ký HĐQT lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án StarCity Westlake số 10 Trấn Vũ giữa 9 cá nhân do Hà Văn Thắm chỉ định với Viptour – Togi.
Sau đó Thắm chỉ đạo Nguyễn Thị Dùng là người được Thắm thuê làm Phó Tổng Giám đốc CTCP Viptour – Togi ký vào các hồ sơ khống này. Đồng thời chỉ đạo Nguyễn Việt Anh, Giám đốc PGD Đào Duy Anh thực hiện thẩm định cho vay.
Ngày 29/5/2015, Nguyễn Việt Hà giao Trần Trung Kiên – Trưởng Phòng và cán bộ tín dụng Nguyễn Anh Tuấn lập báo cáo thẩm định.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay, Nguyễn Anh Tuấn không liên hệ với khách hàng, không thẩm định khả năng tài chính, không định giá tài sản đảm bảo khoản vay mà đã lập 9 tờ trình thẩm định đề xuất duyệt cho vay.
Bất chấp hồ sơ bị Phòng thẩm định cá nhân của Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn đồng ý cho vay.
Ngay ngày hôm đó, 9 hợp đồng tín dụng được ký, 137,89 tỷ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour – Togi rồi tới Hà Văn Thắm để trả nợ cho các khoản vay khác của Thắm.
Công ty ông Thắm gánh nợ trả thay
Theo kết luận của CQĐT, tội phạm đã hoàn thành khi OceanBank giải ngân gần 138 tỷ đồng. Hà Văn Thắm với vai trò Chủ tịch HĐQT không được vay vốn OceanBank nhưng vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn” – quyền của Chủ tịch Ủy ban Tín dụng và đầu tư tài chính quyết định cho vay để chiếm đoạt số tiền này.
Tuy nhiên, Viptour – Togi đã huy động và nộp lại số tiền 111,84 tỷ đồng. Đây được coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ cho bị can và đối tượng liên quan.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, OceanBank đã thu hồi hơn 26 tỷ đồng tiền gốc và 1,53 tiền lãi do 2 cá nhân đã thanh lý, chuyển trả. Cơ quan điều tra đồng thời đã thu giữ 111,84 tỷ đồng .
Khoản tiền này đang được hạch toán vào khoản phải thu khác trên BCTC hợp nhất của OCH. Theo giải trình của doanh nghiệp này, đây là khoản tiền mà Viptour – Togi tạm nộp theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra vào 4/6/2016.
Khoản phải thu khác này chưa hề được OCH trích lập dự phòng mà vẫn tính 100% giá trị vào tổng tài sản của công ty.
Về cách thức Viptour - Togi xoay tiền trả nợ, Cơ quan điều tra cho biết đã huy động từ các công ty của Hà Văn Thắm như Tập đoàn Đại Dương (OGC) và OCH.
Trước đó, vào tháng 10/2015, OGC đã thông qua chủ trương chi trả các khoản nợ cho Viptour với số tiền 90,2 tỷ đồng theo Biên bản đối chiếu công nợ.
OGC sau đó đã phải thoái vốn tại dự án Lega Fashion House, chuyển nhượng toàn bộ 984.100 cổ phần của OGC tại Công ty Cổ phần Máy tính và Truyền thông Việt Nam (Vietcom) để chi trả khoản công nợ này.