Phân tích với VTC News , Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông Luật - nhận định, lắp duôi gió xe ô tố (lắp cánh gió xe ô tô) được một số chủ xe rất yêu thích, nó không chỉ giúp xe di chuyển nhanh hơn, phanh nhanh hơn mà còn tăng tính thể thao, thẩm mỹ. Mặc dù vậy, nó cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lưu thông trên đường như gây tiếng ồn, giảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông...từ đó có thể gây ra tai nạn giao thông.
Hành vi lắp đuôi gió xe ô tô có thể xem là thay đổi kết cấu xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo và là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa)
Trên quan điểm pháp luật, Luật sư Bình phân tích, Theo khoản 2 điều 55 Luật giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Do dó, hành vi lắp đuôi gió xe ô tô có thể xem là thay đổi kết cấu xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo và là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định của pháp luật về dân sự", Luật sư Diệp Năng Bình kết luận.
Theo điểm a khoản 9 Nghị định số 03/VBHN/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, người vi phạm có thể bị phạt tiền 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Đồng thời, người vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ một tháng đến ba tháng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.
Đối với tổ chức là chủ phương tiện vi phạm thì mức phạt tiền bằng hai lần cá nhân vi phạm.
"Nếu hành vi trên làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người tham gia giao thông khác trên đường mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 262 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20 triệu đồng và mức cao nhất có thể lên tới 10 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm" , Luật sư Diệp Năng Bình thông tin.