Tháng 10/2015, Apple đã thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, do công ty Apple Operation International có trụ sở tại Ireland sở hữu 100% vốn.
Tuy vậy công ty này không trực tiếp bán lẻ iPhone, iPad tại thị trường Việt Nam mà có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn tức nhập khẩu và phân phối tới các hệ thống bán lẻ trong nước như Thế giới Di động hay FPT Shop.
Trước đó, các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam nhập khẩu trực tiếp từ Apple Singapore hoặc mua thông qua công ty phân phối FPT Trading (nay là Synnex FPT).
Với việc thành lập Apple Việt Nam thì FPT Trading đã mất đi quyền phân phối iPhone tại Việt Nam kể từ quý 4/2015 dẫn đến lợi nhuận của FPT Trading cũng như FPT bị tác động đáng kể trong năm 2016.
Cùng với việc thanh lý điện thoại Lumia tồn kho, lợi nhuận từ phân phối điện thoại di động năm 2016 của FPT Trading chỉ còn 34 tỷ đồng, giảm tới 90% so với mức 311 tỷ đồng của năm 2015.
Trở thành đầu mối chính phân phối iPhone, Apple Việt Nam ghi nhận hơn 11.200 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2017 (kết thúc ngày 30/9) và tăng lên 13.300 tỷ đồng trong niên độ 2018, tương đương gần 600 triệu USD.
Do chỉ là công ty phụ trách hoạt động phân phối nên biên lợi nhuận của Apple Việt Nam không lớn. Biên lãi gộp dao động quanh mức 7%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 259 tỷ đồng - tức xấp xỉ 2% doanh thu.
Mặc dù là đầu mối chính phân phối iPhone, iPad tại Việt Nam nhưng quy mô của Apple Việt Nam chỉ phản ánh khoảng 50-60% tổng lượng tiêu thụ các sản phẩm Apple tại Việt Nam do quy mô của thị trường xách tay vẫn còn rất lớn.
Theo số liệu do FPT Retail công bố khi thực hiện roadshow vào cuối năm 2017, quy mô các sản phẩm Apple tại Việt Nam vào khoảng 900 triệu USD thì hàng chính hãng chỉ vào khoảng 550 triệu USD - tức khá sát với kết quả kinh doanh của Apple Việt Nam và còn lại 350 triệu USD là của thị trường hàng xách tay.
Mặc dù vẫn là dòng điện thoại thời thượng nhưng sức hấp dẫn của iPhone tại Việt Nam đang có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, thị trường điện thoại di động sụt giảm 8% về giá trị trong quý 1/2019 so với cùng kỳ (theo GfK), cùng với doanh số thấp của mẫu iPhone mới ra mắt cuối năm 2018 đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu điện thoại của FPT Retail trong tháng 12/2018 và toàn bộ quý 1/2019.
FPT Retail đã phải đẩy mạnh hạ giá để giải quyết lượng hàng iPhone tồn kho, khiến biên lợi nhuận gộp của iPhone giảm (iPhone chiếm 36% doanh thu điện thoại trong quý 1).
Bên cạnh đó, iPhone cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các mẫu flagship của Samsung và Huawei với nhiều tính năng vượt trội trong khi giá cả lại tốt hơn.