Lấp "chỗ trống" đạo đức giáo viên cần loại bỏ tính hình thức

Nguyễn Linh |

Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường phải đáp ứng được yêu cầu thực tế chứ không phải chỉ mang tính hình thức.

Sau những trường hợp cá biệt giáo viên vi phạm đạo đức trong thời quan vừa qua, Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, tình hình một số giáo viên hiện nay còn lúng túng trong việc xử lí các tình huống hoặc xử lí không đúng với nghiệp vụ sư phạm.

Đó cũng là biểu hiện của việc chương trình dạy còn chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức kĩ năng về xử lí trong giao tiếp, trong quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh.

Điều này cũng đúng với nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước đó, khi cho rằng quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để "trống" mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống...

Lấp chỗ trống đạo đức giáo viên cần loại bỏ tính hình thức - Ảnh 1.

Sự việc bé gái bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau khiến dư luận phẫn nộ.


Trao đổi với Lao Động về việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường, GS Đào Trọng Thi cho rằng: "Xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường là tốt tuy nhiên việc đó phải dựa trên sự nghiên cứu và xây dựng quy tắc phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, đáp ứng yêu cầu của các mối quan hệ giao tiếp trong nhà trường.

Hiện nay, các quy tắc ứng xử trong học đường không phải không có nhưng có thực hiện nghiêm túc hay chưa lại là chuyện khác. Có lẽ việc này cũng đòi hỏi sự đồng bộ trong giáo dục, từ trang bị kiến thức đến kĩ năng ứng xử liên quan đến mối quan hệ thầy trò, giáo viên - phụ huynh".

Về những đề xuất cụ thể, GS Đào Trọng Thi cho rằng phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và loại bỏ tính hình thức.

"Sẽ phải có những nghiên cứu chi tiết mới đề xuất được bộ quy tắc phù hợp đáp ứng được yêu cầu chứ không phải chỉ đưa ra mang tính hình thức.

Từ trước đến nay cũng không phải là không có quy tắc ứng xử, nội quy nhà trường đó chính là quy tắc nhưng vấn đề là nó có phù hợp hay không, có đáp ứng được yêu cầu không. Phải triển khai nghiên cứu một cách nghiêm túc và dựa trên cơ sở khoa học, việc đó là thật sự cần thiết".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vào những trường hợp cụ thể như việc bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng không thể đưa vào quy tắc mà đó là vi phạm pháp luật.

"Với trường hợp bắt học sinh uống nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm nhục con người và đối tượng là trẻ em là vi phạm pháp luật, đó không còn là quy tắc nhà trường. Pháp luật cao hơn quy tắc rất nhiều.

Quy tắc là ứng xử đặc thù trong nhà trường nhưng có những ứng xử không đúng pháp luật thì cần gì phải dùng đến quy tắc? Bởi vậy, không nên nói chúng ta chưa có quy tắc, chúng ta đã có pháp luật. Việc vi phạm pháp luật hãy xử lí nghiêm khắc theo pháp luật", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại