Trên chuyến tàu cao tốc Lào-Trung, phóng viên Duncan Forgan của đài CNN (Mỹ) đã chứng kiến một nữ hành khách bật khóc vì xúc động, khi cô sắp được gặp lại mẹ mình sau thời gian dài xa gia đình.
Theo lời kể của Forgan, nữ hành khách tên Ying này đã có vẻ bồn chồn từ khi đoàn tàu bắt đầu xuất phát từ ga Viêng Chăn. Anh giải thích:
"Không có gì đáng ngạc nhiên khi cô gái ấy có chút lo lắng và phấn khích như vậy. Trước khi tuyến đường sắt cao tốc này chính thức vận hành vào cuối năm 2021, chặng hành trình từ Viêng Chăn, nơi cô gái đang học tập, và Luang Namtha, quê hương của cô ở phía Bắc đất nước, rất dài và mệt mỏi."
Forgan cho biết, trước khi có tàu cao tốc, người dân Lào thường đi xe khách - và một chuyến xe từ Viêng Chăn đến Luang Namtha trên những con đường đầy ổ gà mất ít nhất 20 tiếng, ngay cả trong điều kiện thời tiết và giao thông "hoàn hảo". Sau khi đến bến xe khách, Ying sẽ phải đi thêm vài km nữa trên chiếc xe công nông chạy bằng động cơ hai kỳ kiểu cũ.
Cũng có lựa chọn di chuyển bằng máy bay từ Viêng Chăn đến Luang Namtha, nhưng đối với người dân địa phương, đây là lựa chọn xa xỉ, vì giá vé máy bay không hề rẻ. Do đó, trong vòng 3 năm qua, Ying chỉ dám về quê đúng một lần.
May mắn là chuyến tàu cao tốc mới đã đem đến sự thay đổi cho người dân địa phương. Tuy chặng cuối trên xe công nông vẫn không đổi, nhưng giờ đây Ying có thể đi từ Viêng Chăn về Luang Namtha chỉ trong vòng chưa đến 4 tiếng, trong khoang tàu cao tốc "sang, xịn, mịn", lại có điều hòa mát rượi.
Ying cho biết: "Trước khi có tàu cao tốc, hành trình về quê của tôi rất khó khăn vì đường xá không thuận tiện, nên tôi hiếm khi về thăm nhà. Giờ đây tôi có thể về quê thật nhanh chóng và dễ dàng."
Cơ hội cho ngành du lịch của Lào
Trước khi có tàu cao tốc, ấn tượng thường thấy về Lào là một nơi "sống chậm". Nhưng điều đó đang dần thay đổi.
Tuyến đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với những điểm đến hàng đầu dành cho du khách như Vang Vieng - nơi nổi tiếng với những ngọn núi đá vôi cao chót vót, Luang Prabang - cố đô đầy quyến rũ của Lào, hay Luang Namtha - nơi các bộ tộc thiểu số sinh sống và nổi tiếng với các hoạt động du lịch sinh thái.
Và tuyến đường sắt cao tốc chính là cơ hội và động lực thúc đẩy ngành du lịch của Lào phục hồi, phát triển hậu đại dịch COVID-19.
Tuyến đường sắt Lào-Trung hiện đại và tiên tiến sử dụng Tàu điện động lực phân tán (Electric Multiple Unit - EMU), loại tàu điện tự hành có nhiều toa và không cần đầu máy để kéo đoàn tàu, do nó sử dụng điện làm năng lượng chuyển động.
Tuyến đường sắt này dài 1.035km, kết nối thủ đô Viêng Chăn của Lào và thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Tổng cộng có 45 ga tàu, trong đó bao gồm khoảng 20 ga tàu phục vụ hành khách.
Hiện tại, hành khách chỉ có thể trải nghiệm chặng đường sắt dài 422km đi qua những khu vực đồi núi của Lào, chứ chưa thể đến Trung Quốc, do nước này vẫn chưa mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế.
Trải nghiệm thực tế của phóng viên CNN
Theo CNN, tuyến đường sắt Lào-Trung dự kiến sẽ được mở rộng để liên kết thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với Bangkok và Singapore trong thập kỷ tới. Do đó, tuyến đường sắt cao tốc này được đánh giá là một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Phóng viên Forgan của CNN mô tả rằng: "Các nhà ga rất ấn tượng, nhưng mang hơi hướng như các nhà ga ở Trung Quốc".
"Chẳng hạn, bên trong nhà ga ở Viêng Chăn, không có những hàng rong bán đồ ăn, chỉ có những dãy ghế ngồi, nhà vệ sinh, một vài máy bán hàng tự động và một cây nước nóng lạnh miễn phí cho hành khách có nhu cầu uống nước hoặc ăn mì gói.
Các biển báo trong nhà ga có tiếng Trung và tiếng Lào, nhưng có rất ít thông tin bằng tiếng Anh", theo Forgan.
Con tàu có sức chứa 720 người trên các toa hạng nhất và hạng hai, chạy tuyến giữa Viêng Chăn (điểm đầu) và Boten (điểm cuối ở Lào) 2 chuyến/ngày, có màu trắng, đỏ và xanh dương như màu quốc kỳ Lào.
Forgan viết: "Nhìn chung, đoàn tàu ưu tiên chức năng hơn là hình thức. Ghế ngồi thoải mái, có nhiều chỗ để chân và không gian để hành lý rộng rãi. Tàu cũng có ổ cắm điện ở bên dưới ghế ngồi dành cho những khách hàng cần sạc điện thoại hoặc máy tính xách tay.
Khi đoàn tàu chạy về phía Bắc, chúng tôi được ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng xanh màu ngọc bích ở bên ngoài cửa sổ tàu.
[...] Nhưng vẫn còn một số bất cập, chẳng hạn, hiện tại vé tàu chỉ có thể được mua bằng tiền mặt trước ngày khởi hành 3 ngày. Bạn chỉ có thể mua vé tại ga tàu - một điều hơi bất tiện do các ga tàu thường ở xa trung tâm thành phố - hoặc một số ít phòng vé bên ngoài."
Mặc dù vậy, Forgan cho rằng với sự tiện lợi và nhanh chóng, đường sắt cao tốc Lào-Trung "cuối cùng sẽ chứng minh được sức hút với du khách và thậm chí còn phát triển hơn nữa khi Trung Quốc mở cửa cho du lịch".
Đối với nhiều người Lào, đường sắt cao tốc không hẳn là lựa chọn giá rẻ nhất, nhưng họ có thể tiết kiệm được thời gian và sức lực khi hành trình nhanh chóng, dễ chịu hơn. Nữ hành khách tên Ying cho biết cô hy vọng có thể về thăm gia đình ít nhất một vài lần mỗi năm, thay vì vài năm một lần như trước.
"10 triệu tấn hàng hóa"
Hoàn Cầu trích dẫn số liệu của Công ty Đường sắt Côn Minh cho biết, vào đầu tuần này, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung đã vượt mốc 10 triệu tấn kể từ khi tuyến đường sắt này bắt đầu vận hành vào tháng 12/2021.
Hiện tại, 25 tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã mở các tuyến dịch vụ vận chuyển cho tàu chở hàng Lào-Trung, và số lượng các chuyến tàu hai chiều được điều động đã tăng từ 1 chuyến/ngày lên 6 chuyến/ngày.
Các loại hàng hóa được vận chuyển trên tuyến đường sắt cao tốc này cũng tăng từ 100 loại lên hơn 1.200 loại, đa dạng từ thiết bị điện tử đến trái cây, với giá trị thương mại vượt 12 tỷ nhân dân tệ (1,66 tỷ USD).
Hoàn Cầu bình luận rằng những con số nói trên đã chứng minh cho sự thành công của tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung./.