Có mặt tại Khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận tình trạng trẻ mắc lao màng não đã có phần giảm nhiệt so với 1 - 2 tuần trước. Hiện giờ chỉ còn 1 bệnh nhi nặng được theo dõi phòng cấp cứu và có tiên lượng khả quan.
Trước đó, ca nặng nhất là 1 bé bị lao màng não, viêm đa màng não và biến chứng não úng thủy. Sau một thời gian hỗ trợ thở oxy, hiện, tình trạng bé đã ổn định nên được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục điều trị lao. Sau đó thì tình trạng ổn được cho xuất viện.
Chị Dương Thị Tuyền (36 tuổi, quê Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã đưa con trai 3 tháng tuổi lên bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, điều trị lao màng não được 1 tháng. Bé ban đầu cũng có nhiều biến chứng nặng, nhưng qua điều trị tích cực cũng tạm thời ổn định.
Nhớ lại thời điểm cách đây mấy tuần bé tròn 3 tháng có triệu chứng mệt lừ đừ, thở nhanh chuyển từ phòng mạch tư qua bệnh viện tỉnh rồi lại chuyển tuyến lên Nhi đồng 1, nét mặt người mẹ vẫn hằn rõ âu lo.
Chị Tuyền chia sẻ: “Lúc nhập vô bệnh viện ở Đồng Tháp thì thấy không không ổn nữa rồi. Nhi đồng là bệnh viện lớn nên xin chuyển lên dây. Sinh ra được ba tháng là nhập viện, lên đây tính ra cũng 4 tháng. Diễn tiến nó nhanh đên mức không biết nữa, chắc do đề kháng không được mạnh nên chưa hết. Vậy là nặng rồi đó, viêm phổi rồi”.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi đồng 1, lao màng não là một dạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng và thường hay gặp ở trẻ em. Ngoài lao phổi thì lao màng não thường gặp hơn lao hạch, lao màng bụng. Trong Khoa vừa tiếp nhận 6 ca.
Nếu không phát hiện sớm thì tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề và tiên lượng xấu. Việc chẩn đoán sớm khá quan trọng để điều trị. Tuy nhiên, những triệu chứng lâm sàng thường không điển hình.
Song, nếu 1 đứa trẻ sốt kéo dài, ho kéo dài, sụt cân liên tục thì cần phải làm 1 tầm soát về lao màng não. Đồng thời cũng sàng lọc tiền căn tiếp xúc với lao, trong gia đình có ai từng bị bệnh và đang bệnh thì ta cần phải làm ngay sàng lọc.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ: “Đầu tiên mình hãy chụp một X-quang phổi đầu tiên để coi có bị lao phổi nữa hay không. Ngày nay, cái kỹ thuật chẩn đoán rất ư là dễ hơn. Bởi vì ngoài mình dựa vào những các triệu chứng lâm sàng để lấy dịch não tủy để làm xét nghiệm về lao. Ngoài ra, mình có thể làm thêm bằng cách chụp CT hoặc MRI để mà gợi ý cái lao màng não”.
Các chuyên gia khuyến cáo cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm ngừa khi trẻ sau sanh để tránh những biết chứng về sau đáng tiếc. Ví dụ như bị nặng trẻ sẽ bị biến chứng não úng thủy, nhồi máu não, gây liệt dây thần kinh nội sọ.
Vaccine phòng lao BCG (Bacille Calmette-Guerin) hiện được cho sử dụng từ lâu, với vai trò ngăn chặn bệnh tiến triển thành các thể lao nguy hiểm, trong đó phòng ngừa lao màng não.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó trưởng Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM khuyến cáo phụ huynh nên chích ngừa theo diện tiêm chủng mở rộng và tốt nhất trẻ nên ngừa lao ngay sau sanh.
Bác sĩ Khanh chia sẻ: “Chích ngừa lao cho một đứa trẻ mới sanh ra và sau đó rất là quan trọng trong việc ngừa lao màng não. Nếu 1 em bé 2 tháng tuổi mà chưa chích ngừa thì phải xem lại, vì lúc đẻ ra người ta chích ngừa lao rồi. Và thói quen của phụ huynh rất ngại ở chỗ con mình còn nhỏ quá, chích làm chi! Để bé cứng cáp rồi tính! Hoặc mới bệnh vặt tí là ngưng chích. Đó là sai lầm vì chích ngừa là cơ hội của đứa trẻ”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất và thứ 15 có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Sau đại dịch COVID-19 thì tình trạng những căn bệnh truyền nhiễm ngày xưa có thể quay lại, đặc biệt với vấn nạn dùng kháng sinh vô tội vạ đã dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc khiến cho nhiều bệnh cảnh trẻ em thêm trầm trọng.
Cần phải bảo vệ những trẻ em suy dinh dưỡng, mắc HIV vì đây là đối tượng dễ mắc bệnh lao, lao màng não nhất./.