Lao động chật vật trong 'bão' giá

Dương Hưng |

Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động phải sống trong cảnh thấp thỏm với nỗi lo thất nghiệp, giảm thu nhập. Khó chồng khó, người lao động tiếp tục đối mặt với nỗi lo khi hàng loạt hàng hóa liên tục tăng mạnh.

Sau giờ tan ca, chị Nguyễn Thu Trang (34 tuổi, Hòa Bình), công nhân một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) tranh thủ ghé chợ cóc ven đường để mua mớ cá, bó rau về lo bữa tối. Chị nhìn sạp rau gần chục phút, cầm lên đặt xuống mấy loại nhưng vẫn chưa biết mua rau gì cho rẻ.

 Lao động chật vật trong bão giá  - Ảnh 1.

Giá rau liên tục tăng khiến chị Nguyễn Thu Trang (34 tuổi, quê Hòa Bình) chọn cả chục phút vẫn không biết mua gì cho hợp túi tiền. Ảnh: D.H

“Bó mồng tơi mấy tháng trước mới chỉ 5.000 đồng, giờ đã tăng lên 13.000 đồng/bó; rau cải 6.000 đồng/bó, nay lên 16.000 đồng/bó. Còn cải cúc, cải xoong, rau dền…cũng tăng giá gần gấp đôi, gần 15.000 đồng/bó. Giá thế này công nhân mua sao nổi”, chị Trang than thở.

Chị Trang quay sang định lấy chục quả trứng gà về cho con nhỏ, nhưng được chủ sạp báo giá 38.000 đồng/chục quả, đành bỏ xuống “Đợt trước, giá chỉ có 15.000-17.000 đồng/chục, nay tăng tận gấp đôi cơ à”, chị hỏi lại.

Chị Trang cho biết, từ đầu năm đến nay, hàng loạt thực phẩm, hàng hóa tăng giá khiến cả gia đình làm cật lực vẫn thiếu trước hụt sau. Lên Hà Nội làm việc gần chục năm, hai vợ chồng làm việc từ sáng đến tối nhưng thu nhập cả hai chỉ tầm 12 triệu đồng/tháng.

“Lương thì không tăng nhưng chi phí cho sinh hoạt đã tăng gấp đôi. Giờ cầm 100 nghìn đồng đi chợ, tôi không biết mua gì để gia đình ăn uống cả ngày. Ăn mỗi rau còn đắt, chứ chưa nói đến mua được lạng thịt cho con”, chị Trang nói.

3h chiều, khu xóm trọ tại xã Kim Nỗ (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) vẫn vắng bóng người vì đa phần công nhân chưa đi làm về. Chị Lê Thị Thắm (29 tuổi, quê Thanh Hóa) mới sinh đứa đầu lòng nên vẫn quanh quẩn ở nhà. Cả gia đình chị Thắm tá túc chỉ trong căn phòng chưa đến 15m2 nhưng đủ các loại đồ xoong chảo, bếp, máy khoan…nằm chỏng chơ khắp phòng.

“Biết là khổ nhưng lấy đâu ra tiền để thuê chỗ tốt hơn. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào lương của chồng 8 triệu đồng/tháng. Từ năm ngoái đến nay, ở khu này không có cơ sở nào nhận trông giữ trẻ nên em đành phải ở nhà ôm con”, chị Thắm nói.

Chị Thắm cho biết, dù hai vợ chồng đã đi làm hơn 5 năm, nhưng chi tiêu “dè sẻn” vẫn không đủ. “Mấy tháng nay, loại thực phẩm gì cũng tăng giá đắt đỏ. Hai vợ chồng không dám ăn uống gì nhiều, chỉ để dành tiền mua sữa nuôi con. Chồng em đi làm công việc vất vả, có hôm cả ngày chỉ làm một tô cơm nguội trộn lẫn với mỳ tôm”, chị kể.

“Hai vợ chồng thường phải gọi điện về quê nhờ ông bà nội, ngoại viện trợ thêm chục trứng, con gà hay yến gạo, bữa cơm của gia đình mới tươm tất hơn. Cứ tình hình này, chắc em phải gửi con về quê để đi làm lại thì mới có thể trụ ở đây được”, chị Thắm nói.

Ngồi thẫn thờ chờ khách tại khu vực vườn hoa Hà Đông, anh Nguyễn Văn Tùng (37 tuổi, quê Nam Định), tài xế “xe ôm công nghệ” cho biết, chưa khi nào rơi vào cảnh ảm đạm như những ngày này.

Suốt hơn 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, thu nhập của anh giảm sút, cả gia đình phải chạy ăn từng bữa mới qua được thời đoạn khó khăn. Nhưng nay bớt dịch thì gặp cảnh giá cả đắt đỏ, làm không đủ ăn.

“ Giá xăng tăng chóng mặt. Cứ chạy tầm 2-3 hôm phải đổ một bình xăng 100 nghìn đồng, trong khi công ty cắt phí tới 30%. Giờ mỗi ngày chạy cật lực lắm cũng chỉ kiếm được 200 nghìn, chưa trừ tiền hao mòn xe”, anh Tùng nói, và cho biết cuốc xe giờ cao điểm không dám chạy vì càng chạy càng lỗ.

Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân để tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: để chia sẻ và hỗ trợ NLĐ phần nào bớt khó khăn, đặc biệt trong Tháng Công nhân (tháng 5), Tổng Liên đoàn có nhiều hoạt động chăm lo NLĐ. Tổng Liên đoàn trên cương vị thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất, bảo vệ và được các thành viên Hội đồng nhất trí đề xuất Chính phủ xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 tới.

Tổng Liên đoàn cũng yêu cầu các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân, như chương trình "cảm ơn NLĐ"; công đoàn vận động chủ sử dụng lao động tặng quà bằng hiện vật, hoặc bằng tiền kèm lời nhắn cảm ơn tới NLĐ. Các cấp công đoàn phối hợp với lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp để đối thoại với NLĐ nhằm lắng nghe, giải đáp, giải quyết các vướng mắc của NLĐ. Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với công nhân. Cơ quan công đoàn trên cả nước cũng đang ghi nhận, tổng hợp kiến nghị của NLĐ liên quan tới chế độ, chính sách, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ, để kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tháo gỡ.

Lê Hữu Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại