Mỳ tôm và bánh mỳ là một trong số những đồ cứu trợ mà đoàn thiện nguyện nào cũng có bởi sự tiện dụng, có thể xử lý nhanh và đơn giản nhất cơn đói của bà con vùng thiên tai. Tuy nhiên, khi nước rút thì các nhu cầu sinh hoạt cũng đã thay đổi.
“Hiện tại, người dân đang rất cần mắm, muối, mỳ chính, thuốc đánh răng, bột giặt, gạo… để duy trì sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ đang đưa vào cho người dân chủ yếu là mỳ tôm, bánh mỳ và sữa, số lượng quá nhiều vừa gây lãng phí và cũng không đúng với nhu cầu thực tế", anh Đàm Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) chia sẻ trên TTXVN.
Phóng viên Bảo Linh (VTV), người trực tiếp có mặt tại “rốn lũ” của tỉnh Tuyên Quang - nơi có 6 xã bị cô lập (xã ít thì 2000 hộ dân, xã nhiều thì 4000-5000 hộ dân) sau cơn bão lũ vừa qua, cũng có những góc nhìn thực tế về công tác cứu trợ.
“Có những đoàn thiện nguyện đã phải hạ toàn bộ hàng cứu trợ lên tới 10 xe ô tô”, chị Bảo Linh tiếc nuối. “Những đồ cứu trợ như bánh chưng, bánh bao hay cơm nắm đi quá nhiều ngày, sau đó lại chờ nước rút nên hầu như đều hỏng trước khi có thể tiếp tế cho bà con”.
“Bà con không có gì để ăn trong 4-5 ngày bị cô lập đó, trong khi nhiều đồ đã bị bỏ đi rất đáng tiếc. Như vậy cũng phí công những người đã vận chuyển từ xa đến”.
“Chúng tôi nhận thấy sau khi nước rút thì môi trường xung quanh rất ô nhiễm. Trẻ con đau mắt, người lớn đau bụng. Những lúc này người dân vùng bị cô lập họ cần nước sạch, thuốc men để điều trị ngay tại chỗ. Khi nước rút rồi thì là cả một vấn đề rất dài sau đó”.
Theo Trung ương hội chữ thập đỏ Việt Nam, khi nước rút thì người dân rất cần nước sạch, thuốc men, khử trùng, một số dụng cụ vệ sinh nhà cửa. Họ rất cần quần áo, chăn màn, nồi niêu xoong chảo, bát đũa…
Họ cũng cần tiền mặt, vật liệu để xây dựng lại nhà cửa. Với các hộ sản xuất thì họ rất cần cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp. Nguyên tắc khi đi cứu trợ là chúng ta mang đến những thứ bà con cần chứ không phải thứ chúng ta đang có.