1. Bao năm qua, các nhà khoa học đã tốn rất nhiều công sức hòng chế tạo loại robot giống như con người. Nhưng tại sao cứ phải hùng hục đâm đầu vào việc tạo ra robot giống người, trong khi có một cách làm dễ dàng hơn rất nhiều: Biến người thành robot?
Lịch sử đã chứng minh, loài người vốn là một sinh vật đặc biệt, có thể tiến hóa không ngừng với nhiều biến thể. Xưa là khỉ, nay là người. Vậy nên không có gì ngạc nhiên nếu trong một tương lai không quá xa, con người lại hóa thành một cái gì đó khó tưởng tượng. Chẳng hạn, chúng ta sẽ tiến vào kỷ nguyên người máy.
Trong giai đoạn "chuyển tiếp" mang tính tất yếu hiện nay, những dấu hiệu đầu tiên về một cuộc robot hóa đã bắt đầu manh nha. Như tờ Daily Mail vừa đưa tin, một phụ nữ có tên là Lilly đã "yêu" một con robot suốt 1 năm qua và tuyên bố "hai người" đang tính chuyện trở thành vợ chồng.
Đừng nghĩ Lilly có vấn đề về thần kinh, mà hãy coi cô nàng quốc tịch Pháp này như một người đi trước thời đại. Trong một cuộc hội thảo có nội dung "Tình yêu và tình dục với người máy" mới được tổ chức tại trường đại học Goldsmiths (London), vị tiến sỹ trùng họ với Chủ tịch Tottenham là David Levy cho rằng chậm nhất đến 2050, luật hôn nhân gia đình sẽ không phân biệt người thật hay người máy.
Để đẩy nhanh tiến trình robot hóa, loài người đã chế tạo ra smartphone và botox. Từ khi có smartphone, con người giảm hẳn những hành vi giao tiếp truyền thống như cười, nói chuyện trực tiếp bằng miệng. Đấy là thay đổi về phần hồn.
Còn với botox và các thủ pháp phẫu thuật thẩm mỹ, diện mạo của loài người cũng bắt đầu trở nên cứng đờ, ai nấy đều mắt mũi giống hệt nhau như được sản xuất theo dây chuyền. Ra đường bây giờ, toàn thấy Ngọc Trinh với Park Shi Yeon.
2. Nhìn sang các sân bóng, chúng ta cũng bắt gặp một lượng robot khổng lồ. Ngoại trừ một vài trường hợp như Barcelona với bộ ba Messi-Suarez-Neymar, đa số các đội bóng chỉ khác nhau về màu áo, chứ nếu cùng cởi trần ra đá thì khó mà biết ai với ai.
Năm 1980, Pele từng có một nhận xét khiến người Đức sôi máu. "Vua bóng đá" gọi đội tuyển của đất nước dẫn đầu thế giới về công nghệ luyện thép là "Rummenigge và 10 con robot" sau khi bị tra tấn bởi một thứ bóng đá quá cứng nhắc và nặng nề.
Ép cầu thủ thành robot, có thể một ngày được lên đỉnh như Hy Lạp tại EURO 2004. Nhưng về lâu về dài, cái giá cho một nền bóng đá botox là vô cùng đắt đỏ và kèm theo nhiều biến chứng.
Dù không ưa Pele, nước Đức cuối cùng đã nghe theo cầu thủ vĩ đại bậc nhất mà nhân loại từng sản sinh. Kể từ World Cup 2006 với tư duy cách tân của Juergen Klinsmann, đội tuyển Đức rũ bỏ vỏ bọc nặng nề của cỗ xe tăng và triển khai một thứ bóng đá đậm đà xúc cảm.
Thứ bóng đá đầy xúc cảm của người Đức đã đưa sự thực dụng của Brazi về lại "thời đồ đá".
Không chỉ "nhân bản hóa" bóng đá ở tầm đội tuyển, Đức cũng quyết liệt triệt tiêu đặc tính robot ở bóng đá cấp CLB. Để rồi, từ Bundesliga, các chiến lược gia Pep Guardiola và Juergen Klopp đã sang Premier League truyền bá một luồng tư tưởng mát lành như những giọt mưa mùa hạ.
Trong khi đó, thật trớ trêu cho Pele, đội tuyển Brazil quê hương ông lại trở thành dàn người máy tại các kỳ World Cup gần nhất. Mà máy móc làm sao đọ nổi con người. Thất bại 1-7 của Brazil trước Đức cách đây 2 năm rưỡi là lời cảnh báo sâu sắc dành cho những làng cầu muốn theo đuổi triết lý thực dụng.
3. Bóng đá Việt Nam giống Đức hay giống Brazil? Một câu hỏi khó, vì chúng ta từng vời cả Falko Goetz lẫn Edson Tavares. Điều đáng buồn là tuy khác quốc tịch, hai chiến lược gia nêu trên dường như lại có cùng một cách huấn luyện. Nếu Goetz mang phong cách Đức của thập niên 1980, thì Tavares có triết lý khô khan y hệt Brazil dưới thời Carlos Dunga.
Người Việt Nam lâu nay vẫn tự hào về sự khéo léo, nhưng sự thật là chúng ta có quá ít Hồng Sơn và có quá nhiều "máy chém" lạnh lùng như người máy trong serie phim Kẻ hủy diệt. Bên cạnh những cú "ăn chân" không thương xót như giữa Quế Ngọc Hải với Anh Khoa, quá trình robot hóa của bóng đá Việt Nam còn khắc họa rõ nét qua chiến thuật thi đấu mà các CLB thuộc V-League đang áp dụng.
Không có Tiqui-Taca hay Joga Bonito, tất cả chỉ là những đường chuyền dài, tạt bổng để các tiền đạo ngoại tận dụng thể hình vượt trội thực hiện động tác bứt tốc, bật cao dứt điểm.
Sự lờ đờ của hàng công và sai lầm của hàng thủ đã khiến đội tuyển Việt Nam chẳng thể tiến xa.
Trong danh sách phá lưới tại V-League 2016, các nội binh có thành tích tốt nhất là Lê Văn Thắng và Vũ Minh Tuấn phải xếp dưới 6 cái tên mang âm tiết nước ngoài. Số bàn thắng mà 2 cầu thủ nêu trên ghi được cũng quá ít (cùng 11 bàn) so với người đứng đầu là Gaston Merlo (24).
Thiếu hụt trầm trọng nhân sự cho tuyến đầu, đó là lý do đội tuyển Việt Nam đã thua Indonesia tại bán kết AFF Cup 2016. Đội bạn dẫu chân cứng chẳng khác nào robot, nhưng ít nhất cũng có được sự lạnh lùng của người máy. Còn đội tuyển của chúng ta khi phối hợp tấn công thì đờ đờ, dại dại như bộ mặt tiêm botox, lúc phòng ngự lại mắc những sai lầm rất con người.
Quá trình chuyển hóa của bóng đá Việt Nam sẽ còn dài, và đầy đau đớn.