Theo báo Inquirer của Philippines, nhà lập pháp tại Hạ viện Ron Salo hôm 27.11 đã cáo buộc thượng nghị sĩ Franklin Drilon cắt giảm hơn 2,5 tỉ peso (tương đương hơn 49 triệu USD) ngân sách tổ chức SEA Games 30 và sau đó mang khoản tiền này phân bổ cho các dự án tại tỉnh Iloilo - quê nhà của ông Drilon.
“Tôi muốn bày tỏ khen ngợi tới ban tổ chức, những người bất chấp việc ngân sách bị trì hoãn và thậm chí bị thượng nghị sĩ Drilon cắt đi 2,5 tỉ peso, chúng ta vẫn sẵn sàng giới thiệu cho thế giới thấy được con người, văn hóa và tài năng của chúng ta”, ông Salo nói.
Hạ nghĩ sĩ Salo nhấn mạnh rằng: “Tuy nhiên, điều đáng tò mò ở đây là, với khoản 2,5 tỉ peso bị cắt giảm từ ngân sách tổ chức SEA Games, khoản 2,3 tỉ peso tương tự lại được phân bổ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác nhau ở tỉnh Iloilo”.
Ông Salo không phải là người duy nhất lên tiếng chỉ trích lãnh đạo thiểu số Thượng viện Philippines, người đứng đầu cơ quan phụ trách tổ chức SEA Games 2019, đồng thời là Chủ tịch Hạ Viện Philippines Alan Peter Cayetano cũng cáo buộc là có trách nhiệm trong hàng loạt những bê bối, lùm xùm liên quan tới công tác tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 ngay cả khi sự kiện này chưa chính thức khai mạc.
Ông Cayetano đồng tình với Phó Chủ tịch Hạ viện Mikee Romero rằng những bê bối thiếu chuyên nghiệp khi tổ chức SEA Games 30 là kết quả của sự chậm trễ trong việc phê duyệt ngân sách năm 2019. Ông Cayetano lặp lại cáo buộc trước đó của ông Romero về việc thượng nghị sĩ Drilon và Thượng viện Philippines phải có trách nhiệm đối với hành động trì hoãn ngân sách.
Về phần mình, ông Drilon và Chủ tịch thượng viện Philippines Vicente Sotto III đều bác bỏ các cáo buộc và cho rằng những điều này là “vô căn cứ”. Ông Drilon giải thích rằng sự chậm trễ trong phê duyệt ngân sách năm 2019 là do các khoản bồi thường vi hiến của các thành viên Hạ viện đề xuất.
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Franklin Drilon cũng lên tiếng phản đối các cáo buộc rằng ông đã cắt giảm tài trợ cho SEA Games lần thứ 30 và chuyển nó đến tỉnh Iloilo quê nhà của ông.
“Đây là một lời nói dối hoàn toàn. Hạ nghị sĩ Ron Salo là một một người ăn nói ba hoa và là người cung cấp tin tức giả mạo”, ông Drilon cho biết hôm 27.11 và nhấn mạnh rằng ông thực hiện một cách minh bạch đối với tất cả các sửa đổi đề xuất trong ngân sách quốc gia Philippines 2019.
Được biết, Philippines đang để lại ấn tượng xấu trong mắt các đại diện khu vực đến dự SEA Games 30 sau khi hàng loạt các vấn đề về khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp của nước chủ nhà như thiếu sót về mặt đón tiếp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chế độ ăn uống không tốt và không phù hợp, đã được truyền thông đưa tin trong những ngày qua.
Cụ thể, sau khi xuống sân bay, đội tuyển U.22 Myanmar và U.22 Timor Leste phải đợi nhiều giờ trước khi có xe buýt của ban tổ chức đến đón. Các cầu thủ U.22 Campuchia phải ngủ trên sàn nhà vì không được bố trí phòng khách sạn. Đội tuyển U.22 Thái Lan, thậm chí phải hủy buổi tập đầu tiên vì sự cố về phòng khách sạn và nạn kẹt xe. Những sân vận động diễn ra các trận bóng đá nam và nữ cũng chưa hoàn tất quá trình sửa chữa và nâng cấp. Nhiều dụng cụ, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang trong khi ngày thi đấu đã cận kề.
Trên mạng xã hội, nhiều người Philippines tỏ ra bất bình với công tác tổ chức của nước chủ nhà. Dư luận Philippines cho rằng các quan chức nước này dành quá nhiều thời gian để tranh cãi về ngân sách tổ chức SEA Games 30, thay vì tập trung xây dựng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã tỏ ra tức giận khi chứng kiến những thông tin về các lùm xùm của ban tổ chức SEA Games 30 xảy ra trong vài ngày qua. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Salvador Panelo cho biết ông Duterte muốn tiến hành một cuộc điều tra về công tác tổ chức sự kiện thể thao lớn của khu vực sau khi vấp phải quá nhiều bê bối và chỉ trích.