Trưa 12-4, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận ông đã gửi "tâm thư" cho lực lượng kiểm lâm và ban quản lý rừng của tỉnh. Lá thư này được ông Thanh viết xong lúc 0 giờ 23 phút rạng sáng 9-4.
Trong thư, ông Thanh cho biết vì bận cuộc họp quan trọng nên không thể đến tham dự buổi họp sơ kết nhiệm vụ Quí I và bàn nhiệm vụ trọng tâm Quí II của ngành kiểm lâm.
Ông Thanh bày tỏ cảm xúc của mình trong những chuyến đi kiểm tra rừng. Đó là sự vui mừng trước những cánh rừng xanh thẫm, đau lòng khi rừng bị phá.
Tâm thư được ông Thanh viết xong lúc 0 giờ 23 phút
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng qua những chuyến đi, ông thấu hiểu được nỗi khó khăn mà những người bảo vệ rừng gặp phải.
Ông nhìn nhận với sự mệnh được giao phó, nhiều cán bộ kiểm lâm đã bỏ mồ hôi, xương máu và cả tính mạng để bảo vệ rừng nhưng cũng có người đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời làm mờ mắt dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội, làm phụ lòng bao người đã ngã xuống.
Ông phân tích rằng có nhiều vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng lực lượng kiểm lâm lại không hề hay biết, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng.
"Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó.
Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại. Nếu e ngại công khai thì hãy gửi email cho tôi" – ông Thanh nhắn nhủ.
Được sự cho phép của ông Lê Trí Thanh, Báo Người Lao Động xin đăng nguyên văn bức "tâm thư" này:
"Kính gửi các đồng chí Kiểm lâm và Ban quản lý rừng
Được biết các đồng chí có buổi họp sơ kết nhiệm vụ Quí I và bàn nhiệm vụ trọng tâm Quí II, tôi rất muốn thu xếp thời gian để đến dự và nói chuyện với các đồng chí.
Tuy nhiên do bận một cuộc họp quan trọng của Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh nên tôi rất tiếc không thể đến tham dự với các đồng chí.
Lời đầu tiên tôi xin chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc; khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Là lãnh đạo UBND tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực này, trong gần 3 năm qua, tôi đã có nhiều dịp cùng các đồng chí vượt dốc, băng rừng, lội suối để kiểm tra rừng, hạnh phúc với những cánh rừng già nguyên sinh còn xanh thẫm của Trường Sơn; trăn trở với những cây rừng mới trồng bị nắng chói, mưa dầm, dây leo, khó bề sinh trưởng; đau xót với những thân cây bị lâm tặc chặt gãy, nhựa còn ứa ra như rỉ máu…
Những chuyến đi đó giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về rừng và cũng yêu rừng vô cùng. Là những người trực tiếp gắn bó với rừng, bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng, chắc chắn tình yêu rừng của các đồng chí còn lớn hơn tôi rất nhiều.
Cũng từ những chuyến đi đó, tôi hiểu hơn về công việc và cuộc sống của các đồng chí; thấm hơn về sứ mệnh, nhiệm vụ cao cả mà chúng ta có bổn phận phải thi hành. Vô cùng khó khăn, vô cùng hiểm nguy, vô cùng thử thách.
Đối mặt với lâm tặc vốn đã khó thì đối mặt với chính mình còn khó hơn nhiều. Bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của mình để giữ màu xanh bình yên của núi rừng.
Nhưng cũng có một số đồng chí đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời làm mờ mắt dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội, làm phụ lòng bao người đã ngã xuống và cũng làm lu mờ đi những thành tích, chiến công mà các đồng chí đã đạt được trong suốt nhiều năm qua.
Rừng ở Quảng Nam liên tục bị phá
Thời gian gần đây, thực hiện Kế hoạch 147 của UBND tỉnh, các đồng chí cùng với chính quyền địa phương đã quyết liệt truy quyét các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắn động vật rừng quí hiếm.
Qua đó đã phát hiện nhiều vụ phá rừng khủng khiếp, nhiều vụ săn bắn thú rừng dã man, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép công khai, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và thông tin truyền thông cả nước.
Bất luận thế nào, khách quan hay chủ quan, là những người được giao nhiệm vụ chủ rừng, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về các đồng chí.
Nhiều vụ xảy ra từ lâu, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, cả cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quí hiếm gục ngã mà các đồng chí lại không biết, cho đến khi có thông tin phản ảnh trên báo chí.
Gỗ to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai – người dân địa phương đều biết mà các đồng chí lại không biết, hoặc biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc.
Lực lượng kiểm lâm bị nhiều người đặt dấu hỏi về sự liêm khiết
Nhiều câu hỏi được đặt ra về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, không chỉ riêng các đồng chí.
Những câu hỏi này đã có từ rất lâu rồi, nó làm dằn vặt và ray rứt chúng ta vô cùng. Rừng vẫn cứ mất, cán bộ vẫn cứ bị kỷ luật và nhiều câu hỏi vẫn cứ được đặt ra.
Hôm nay, tại buổi sơ kết kết này, với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó.
Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại. Nếu e ngại công khai thì hãy gửi email cho tôi.
Thân ái chào các đồng chí.
Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam"
Một số vụ phá rừng gần đây ở Quảng Nam
Tháng 10-2015, ông Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác băng rừng lội suối vào thị sát khu vực phá rừng ở đầu nguồn sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My).
Sau khi kiểm tra, ông Thanh đặt nghi vấn cán bộ tiếp tay cho lâm tặc bởi chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào rừng. Trạm bảo vệ rừng đặt ngay trên con đường độc đạo đó và nếu cán bộ bảo vệ rừng không giúp sức thì một khúc gỗ rừng cũng khó trót lọt.
Vụ án phá rừng sau đó được khởi tố nhưng đến nay, Công an huyện Bắc Trà My không tìm ra thủ phạm. Liên quan đến vụ phá rừng này, nhiều cán bộ kiểm lâm đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác.
Tháng 7-2016, sau khi báo chí phát hiện, đưa tin và Thủ tướng có văn bản chỉ đạo, ông Lê Trí Thanh tiếp tục đi bộ hơn 6 giờ vào hiện trường vụ phá rừng pơ-mu tại huyện Nam Giang, khu vực biên giới giáp với tỉnh Sekong - Lào.
Đến nay, đại úy Lê Xuân Chính, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, cùng hàng chục người là kẻ chủ mưu và làm thuê đã bị đưa ra xét xử, nhiều người liên quan đã bị kỷ luật.
Ôn Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang mới đây
Tháng 9-2017, ông Thanh lại tiếp tục cuốc bộ hơn 8 giờ, ngược dòng sông Tranh để kiểm tra hiện trường 124 ha rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị tàn phá mà báo chí phản ánh.
Đến nay, Công an huyện Tiên Phước xác định một cặp vợ chồng tham gia phá rừng, hàng loạt cán bộ trong đó có Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam bị kỷ luật.
Mới đây, chỉ trong tháng 3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện 4 vụ phá rừng quy mô lớn tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang); rừng phòng hộ Nam Sông Bung và khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (huyện Nam Giang).
Hiện Công an huyện Nam Giang và huyện Đông Giang đã xác định được nhiều đối tượng trong 2 vụ phá rừng. Riêng vụ phá 33 cây lim cổ thụ tại xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) và vụ phá rừng ở khu bảo tồn Sông Thanh hiện vẫn chưa xác định được thủ phạm.