Lãnh đạo Hồng Kông muốn đối thoại, sinh viên thẳng thừng từ chối

Minh Hằng |

Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) muốn gặp gỡ giới trẻ và sinh viên Hồng Kông nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết bất đồng về dự luật dẫn độ gây khủng hoảng tại lãnh thổ này suốt một tháng qua.

Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) muốn gặp gỡ giới trẻ và sinh viên Hồng Kông nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết bất đồng về dự luật dẫn độ gây khủng hoảng tại lãnh thổ này suốt một tháng qua.

Theo Reuters, văn phòng đặc khu trưởng Hồng Kông hôm 4.7 cho biết bà Lâm đã yêu cầu những người trẻ đại diện mọi thành phần đến gặp mặt, bao gồm các sinh viên đại học và những thanh niên đã tham gia những cuộc biểu tình gần đây liên quan đến dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Đây sẽ là cuộc gặp kín với quy mô nhỏ nhằm tạo điều kiện để người tham gia đưa ra những quan điểm thẳng thắn và sâu sắc. Đặc khu trưởng Hồng Kông kỳ vọng hội sinh viên Đại học Khoa học và kỹ thuật Hồng Kông (HKUST) - một trong tám trường lớn tại Hồng Kông sẽ cân nhắc tham gia.

Tuy nhiên, hội sinh viên của HKUST tuyên bố từ chối tham gia đối thoại và cho rằng cuộc đối thoại phải công khai cho mọi người dân Hồng Kông cùng tham gia và cho phép mọi người có quyền được ý kiến.

Trong khi đó, hội sinh viên Đại học Trung văn (CUHK) cho biết sẽ chỉ đối thoại khi chính quyền Hồng Kông nghiêm túc muốn giải quyết các yêu cầu thay vì chỉ đưa ra một chiêu trò “quan hệ công chúng”.

Chủ tịch hội sinh viên CUHK Jacky So Tsun-Mush, cho rằng đề nghị của chính quyền đặc khu là "quá ít và quá muộn ". “Họ đáng ra phải yêu cầu một cuộc đối thoại như vậy trước khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 6”, Jacky So nói.

Được biết, dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đã kích động làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hồng Kông suốt một tháng qua. Đáng chú ý, số người biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông có lúc đã lên đến mức đỉnh điểm, mà theo các nhà tổ chức là tới 2 triệu người trên 7 triệu dân của thành phố này. Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga quyết định dừng xem xét thông qua dự luật, đồng thời phải lên tiếng xin lỗi.

Tuy nhiên, Hồng Kông lại chìm trong hỗn loạn vào hôm 1.7 - ngày kỷ niệm 22 năm đặc khu này được trao trả về Trung Quốc. Người biểu tình, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên, đã phá cửa kính xông vào đập phá trụ sở Hội đồng Lập pháp của đặc khu.

Chính quyền Hồng Kông đã lên án hành động bạo lực trong khi một phần dư luận cũng cho rằng người biểu tình đã đi quá xa. Bắc Kinh sau đó cũng tuyên bố hỗ trợ chính quyền đặc khu điều tra "trách nhiệm hình sự của những kẻ gây rối, bạo lực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại