Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ giây phút ngồi trên đống lửa

Nguyễn Thạnh |

Máy CT ở Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động với cường độ liên tục. Khi máy hư, lãnh đạo bệnh viện như ngồi trên đống lửa vì phải chuyển bệnh nhân sang máy CT đặt ở vị trí xa hơn, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng người bệnh.

Ngày 23-3, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp gỡ báo chí cung cung cấp thông tin liên quan Nghị quyết 30 và Nghị định 07. Theo đó, sự ra đời của Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã kịp thời giải "ách tắc" cho ngành y tế nói chung và Bệnh viện viện Chợ Rẫy nói riêng, nhất là trong vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Các nhà quản lý bệnh viện, cơ sở y tế cho rằng quy định mới dù chưa "mở hết" song cơ sở y tế phần nào được "thở phào" nhẹ nhõm hơn.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ giây phút ngồi trên đống lửa - Ảnh 1.

TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ những mặt khó đã được giải quyết và những vấn đề còn băn khăn hiện nay.

TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vì thiếu thuốc, thiết bị y tế nên trong thời gian qua, lượng bệnh nhân dồn về gây nhiều áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối, tăng công suất làm việc cho đội ngũ nhân viên tế. Dù vậy, bệnh viện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người bệnh, như không tăng chi phí khám chữa bệnh, bố trí chỗ trọ trong lúc chờ chuyển sang cơ sở y tế khác để chụp chiếu... Riêng với bệnh nhân nội trú vẫn được bảo đảm cứu chữa tại chỗ.

Trước khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 07, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn 1 máy CT, 5 máy hư hỏng mà không thể sửa chữa. Nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh phải làm việc 24/24 để phục vụ cho cả bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nội trú và bệnh nhân nặng. Đồng thời, rất nhiều bệnh nhân phải chuyển đi nơi khác để chụp chiếu.

So với nơi khác, máy CT ở Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động với cường độ liên tục. Khi máy CT cấp cứu hư, lãnh đạo bệnh viện như "ngồi trên đống lửa" vì phải chuyển bệnh nhân sang máy CT đặt ở vị trí xa hơn, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng người bệnh.

"Đáng lo sợ nhất là nếu chiếc máy cuối cùng trong bệnh viện bị hỏng thì các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu phải đưa đi càng xa dẫn đến nguy cơ càng cao" - BS Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, nói thêm.

Đến thời điểm này, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một số máy móc, trang thiết bị cao cấp được sửa chữa, đặc biệt là máy CT phục vụ cấp cứu (hiện có 3 máy MRI và 2 máy CT đang hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu). Hệ thống xét nghiệm có hóa chất kịp thời để vận hành phục vụ khám chữa bệnh. Số người chờ đợi xạ trị, hóa trị giảm bớt; số lượng bệnh nhân phải chuyển qua cơ sở y tế khác để chụp chiếu cũng giảm.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ giây phút ngồi trên đống lửa - Ảnh 2.

Máy CT cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được sửa chữa và hoạt động trở lại.

Theo BS Thức, đề gây băn khoăn là lâu nay, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế có tính chất chu kỳ, lặp đi gặp lại, gây khó khăn rất lớn cho khám chữa bệnh. Hiện nay, việc niêm yết, công khai giá thiết bị y tế gần như chưa đầy đủ và chưa mang tính chất bắt buộc. Trong tình huống cấp bách phải mua, sau này các cơ quan hậu kiểm sẽ đặt vấn đề các bệnh viện mua cao hơn giá niêm yết hoặc cao hơn giá hải quan.

"Các bệnh viện mong muốn việc quản lý giá thiết bị y tế phải rõ ràng giống như quản lý giá thuốc. Lúc đó, công tác mua sắm sẽ đơn giản, tránh được rủi ro" - BS Thức kiến nghị.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ giây phút ngồi trên đống lửa - Ảnh 3.

Người bệnh chờ chụp CT cấp cứu.

Đánh giá về mặt được và chưa được của Nghị quyết 30 và Nghi định 07, bác sĩ Thức cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra quyết sách giải quyết cấp bách cho ngành y tế. Tuy nhiên, về lâu dài, ông đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nên chia hàng hóa y tế làm một nhóm đặc biệt, không xếp chung với định nghĩa các nhóm hàng hóa khác được vì liên quan đến trực tiếp đến sinh mạng người bệnh.

Thứ hai, nên có chương đấu thầu riêng dành cho y tế và quy định rõ ràng như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để nhà quản lý bệnh viện được phép mua sắm những vấn đề khẩn cấp trong y khoa.

Thứ ba, trong thời gian chờ sửa Luật Đấu thầu, Quốc hội có thể sẽ ra nghị quyết tạm thời cho phép các cơ sở y tế, bệnh viện giải quyết cấp bách những vấn đề y tế hiện giờ về việc thiếu thuốc, trang thiết bị.

Thứ tư, nên có quy định rõ gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị để hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại