Dự định của Asanzo sau khi tuyên bố hoạt động trở lại
Sau hơn hai tuần tuyên bố ngừng hoạt động, sáng nay (ngày 17/9), tại cuộc họp báo do Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo tổ chức, ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Asanzo thông báo doanh nghiệp bắt đầu trở lại kinh doanh sản xuất, mở cửa 4 nhà máy dừng sản xuất trước đó và sẽ khai trương một nhà máy mới tại khu công nghệ cao quận 9, TP HCM .
Theo ông Phạm Văn Tam, hiện tại, doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để phục hồi những thiệt hại liên quan đến cáo buộc giả xuất xứ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn những tiềm lực để đưa định hướng phát triển tiếp theo.
"Khoản thiệt hại của công ty chúng tôi ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. 89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền", ông Tam chia sẻ thêm về tình hình của công ty.
5 năm tiếp theo, Asanzo định hướng trở thành một doanh nghiệp đa ngành, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Bên cạnh lĩnh vực đồ điện tử, hàng tiêu dùng, công ty sẽ có một nhánh công ty chuyên thiết kế phần mềm, phục vụ cho dòng sản phẩm thông minh.
"Trong số các nhà máy Asanzo đặt tại các khu công nghệ cao đã có những nhà máy sản xuất các bao mạch, chuẩn bị kết hợp với các công ty nước ngoài để sản xuất màn hình LCD tivi. Đầu tháng 10, chúng tôi sẽ khai trương nhà máy thứ 5 tại khu công nghệ cao, với công suất gấp 4 lần nhà máy hiện tại. Dự kiến khoảng 2-2,5 triệu tivi/năm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.", ông Phạm Văn Tam chia sẻ.
Asanzo tuyên bố hoạt động trở lại, mở thêm nhà máy thứ 5 tại khu công nghệ cao TP HCM.
Cũng theo người đứng đầu Asanzo, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhậ khẩu, đặc biệt là một số mặt hàng của Asanzo đã từng xuất khẩu đi Nhật Bản.
Mối quan hệ với 14 công ty "đã bỏ trốn" và công ty bị khởi tố tội buôn lậu
Bên cạnh những định hướng tiếp theo của doanh nghiệp, đại diện của Asanzo cũng lên tiếng về mối quan hệ với các đối tác làm ăn từng bị Tổng cục Hải quan kết luật "đã bỏ trốn".
Theo Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, qua kiểm tra, xác minh đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Trong đó, có 14 công ty đã bỏ trốn.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư đại diện cho công ty Asanzo Trần Đức Hoàng khẳng định, doanh nghiệp không có mối quan hệ sở hữu, điều khiển hay có bất kỳ mối quan hệ nào, ngoại trừ những giao dịch hàng hóa mua bán trước đây với các công ty được Tổng cục Hải quan nêu ra.
Theo Asanzo, các công ty này không chỉ cung cấp hàng hóa cho Asanzo mà còn cung cấp linh kiện cho nhiều doanh nghiệp khác.
"Chúng tôi cũng thắc mắc về thông cáo của Tổng cục Hải Quan nhắc đến vấn đề "bỏ trốn" nghĩa là gì? nghĩa là không còn địa chỉ, không có địa chỉ hay như thế nào. Nhưng nếu mà các công ty này thay đổi địa chỉ mà không làm thủ tục thông báo thì đây không phải là chuyện hiếm có.
Điều quan trọng nhất là các công ty này có vi phạm pháp luật gì hay không, trong khi Tổng cục Hải quan và Cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận gì về các công ty này có hay không vi phạm pháp luật", ông Trần Đức Hoàng phát biểu.
Theo vị Luật sư đại diện cho Asanzo, nếu các công ty "đang bỏ trốn" có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và vì có mối quan hệ làm ăn với Asanzo, các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm trước Asanzo vì làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Về Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh (Công ty Sa Huỳnh) bị khởi tố về hành vi buôn lậu do nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo, đại diện của Asanzo cho biết, doanh nghiệp đã rà soát hồ sơ đặt hàng, hợp đồng mua bán, để xem có từng làm việc với công ty Sa Huỳnh hay không.
"Chúng tôi không làm việc với Sa Huỳnh", ông Hoàng nói.
Mặc dù doanh nghiệp đã viện dẫn các văn bản của tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), nhưng khi chưa có bất cứ cơ quan chức năng lên tiếng công bố kết quả điều tra vụ việc, thì những nghi vấn về Asanzo vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Trước vấn đề này, đại diện Asanzo cho hay, sở dĩ doanh nghiệp phải lên tiếng vì không thể chờ đợi thêm. Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thông tin công bố trước báo giới.