Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho biết, thời gian gần đây, lãng phí thực phẩm đã trở thành đề tài nóng được dư luận nước này quan tâm. Tuy nhiên, so với "lãng phí trên đầu lưỡi" thì thất thoát lương thực từ khâu thu hoạch đến chế biến của Trung Quốc tuy ít được biết đến nhưng cũng gây sốc không kém.
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư quốc gia Trung Quốc cho thấy, lượng lương thực thất thoát hàng năm của Trung Quốc sau chế biến gia công lên tới 35 tỷ kg. Trong khi, sản lượng lương thực của tỉnh Tứ Xuyên năm 2019 là 34,95 tỷ kg.
Thất thoát trong thu hoạch
Trong các cuộc khảo sát gần đây, nông dân, cán bộ nông nghiệp và các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc thường cho biết, thất thoát trong quá trình thu hoạch là rất lớn, đặc biệt, tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch bằng máy thậm chí cao tới 10%.
Sau mùa hè, máy gặt hoạt động rầm rộ ở khu vực hồ Động Đình, máy kéo chạy đi chạy lại còn người nông dân hối hả thu hoạch lúa sớm.
Ông Dụ Trung Dũng, Chủ nhiệm hợp tác xã chuyên nghiệp trồng lúa Thành Tín, huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, nhìn cảnh thu hoạch tấp nập trước mặt mà thấy chạnh lòng. Trên cánh đồng nơi máy gặt đi qua thường sót lại nhiều bông lúa, hạt lúa rơi vãi khắp nơi. Ông nhặt một bông lúa nặng hạt rồi thở dài: “Cơ giới hóa quả thực đã nâng cao hiệu quả thu hoạch thóc, nhưng thao tác không kỹ càng, dẫn đến thất thoát lương thực”.
Thực tế, đây là vấn đề tồn tại không chỉ ở Hồ Nam mà còn ở các vựa lúa lớn khác của Trung Quốc như Hắc Long Giang, Hà Nam.
Máy gặt chưa kỹ dẫn tới thất thoát lương thực. Ảnh: Tân Hoa Xã
“Bánh xe kéo của máy gặt có thể dễ dàng làm cho những hạt thóc ở cuối bông lúa rơi xuống đất, tỷ lệ hao hụt dao động từ 3% đến 5%", một nông dân ở Hồ Nam chia sẻ.
Việc tuốt hạt không hoàn chỉnh cũng có thể gây tổn thất. Tại điểm thu hoạch đậu tương ở tỉnh Hắc Long Giang, phóng viên Tân Hoa Xã vò thử một nắm vỏ đậu bỏ đi sau tuốt, nhìn kỹ bên trong thấy vẫn còn sót khoảng 10 hạt đậu, chứng tỏ việc tuốt chưa hoàn thành.
Mao Chí Giang, một người dân ở làng Tiểu Nam Hà, huyện Nhiêu Hà, tỉnh Hắc Long Giang cho biết, trước đây, thu hoạch thủ công ít gây thiệt hại hơn nhưng hiện nay tiến độ thu hoạch nhanh hơn và thiệt hại đã tăng lên đáng kể.
Việc thất thu trong thu hoạch ngô bằng máy cũng tương đối nổi bật. Lưu Quốc Minh, người trồng hơn 5.000 mẫu ngô ở huyện Lan Tây, Hắc Long Giang, cho biết, hạt ngô tương đối khô và giòn, khi thu hoạch hạt ngô rất dễ rơi, nếu cây ngô bị đổ thì số lõi ngô bị rụng còn nhiều hơn.
Đặc biệt, có những tổn thất lại do chính chi phí mang lại. Chu Ba, nông dân tỉnh Hồ Nam cho biết: “Lúa gần chín dễ bị gió lùa dẫn đến đổ cây, nếu cây đổ nghiêm trọng thì máy gặt rất khó thu hoạch, chi phí thu hoạch thủ công cao nên người nông dân thường bỏ cuộc. Tỷ lệ hao hụt có khi lên tới 20 đến 30%".
Ngoài ra, địa hình cánh đồng không thuận lợi cũng dẫn tới tổn thất lương thực. Mã Văn Điền, nông dân ở huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam cho biết, các mảnh ruộng không đều, góc ruộng nhỏ hẹp, không thể thu hoạch bằng máy. Anh nói: "Khi nào rảnh thì lấy liềm gặt, bận quá thì mặc kệ".
Kho dự trữ ngũ cốc tổn thất đạt 8%
Những thiệt hại do nông dân gây ra trong quá trình bảo quản ngũ cốc cũng rất nghiêm trọng: Theo thống kê cơ quan lương thực Trung Quốc, do nông dân bảo quản kém, không đủ công suất sấy, thiếu hướng dẫn kỹ thuật khiến thiệt hại về lương thực lên tới khoảng 8%.
Tân Hoa Xã cho hay, sau khi thu hoạch, một số nông dân thường cất giữ ngũ cốc trong sân nhà hay trên ruộng của họ trong ba hoặc bốn tháng, đợi đến khi được giá rồi mới bán. Cách bảo quản này dễ dẫn đến nấm mốc, thối rữa, chuột bọ phá hoại gây thất thoát nhiều.
Một số nông dân ở Hà Nam cho biết, do nhà ở ẩm thấp nên lúa mì chất đống trong nhà đã có mùi mốc và ít nhất 10% lúa mì không thể ăn được. Tại một điểm thu mua lương thực tư nhân ở Hà Nam có thể nhìn thấy, lúa mì thu mua từ nông dân được chất đống trực tiếp trong sân và chỉ được phủ một lớp bạt đơn giản.
Quá trình chế biến gây nhiều tổn thất. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ở vùng Đông Bắc, sau khi thu hoạch, nhiều nông dân cũng chất thành đống thành phẩm trên sân nhà, thường được gọi là “thóc đầy đất”. Nông dân Trung Quốc nói rằng, nếu thời tiết lạnh và ấm xen kẽ, hạt lúa thường bị mốc và thối rữa, ngoài ra, sự phá hoại của chuột cũng rất đáng lo ngại.
Hoàng Quốc Ngọc, nông dân có hơn 200 mẫu đất ở Hắc Long Giang thường chất đống số ngô thu hoạch hàng năm trên sân nhà. Ông cho biết, nhiều nông dân đã áp dụng trữ thóc theo kiểu "rải trên mặt đất". Với một số hộ nông dân, sân nhà hết chỗ, họ còn san lấp bằng phẳng một khoảng đất ruộng làm nơi cất giữ tạm thời và đợi khi được giá thì bán cho thương lái. Nói chung, họ thường lưu trữ từ ba đến bốn tháng.
"Tổn thất thực sự không nhỏ. Nếu một mẫu thu hoạch được 750 kg thì tổn thất trong quá trình tích trữ của chúng tôi sẽ là gần 50 kg", Hoàng Quốc Ngọc nói, ngô đã được tích trữ như vậy trong nhiều năm qua và không có cách nào tốt hơn.
Tại một số doanh nghiệp chế biến lương thực nhỏ và hợp tác xã ở huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, kho lương thực của họ nhìn chung khá sơ sài, hệ thống tản nhiệt kém, khiến thóc dễ hỏng và tỷ lệ sản lượng gạo giảm. Đồng thời, nhà kho niêm phong cũng rất kém, côn trùng dễ thâm nhập.
Ông Dụ Trung Dũng cho biết, nhà kho của các hợp tác xã thường không có điều hòa nhiệt độ, thóc sấy xong không kịp tản nhiệt nên những hạt thóc nằm giữa đống rát dễ bị "rang chín", như vậy chỉ có thể làm thức ăn chăn nuôi. "Năm trước, hợp tác xã của chúng tôi không để ý đến điều này. Hơn 1 triệu kg thóc đã bị "rang cháy". Giá ban đầu là 2,4 NDT/kg, sau đó phải bán với giá chưa đến 2 NDT/kg", ông nói.
Mất mát do gia công quá kỹ
Hai loại gạo có bề ngoài khác nhau: Một loại được chế biến sơ qua, kém bắt mắt; loại còn lại được chế biến tinh, trắng và sáng. Bạn thích chọn loại nào hơn?
Tìm hiểu của phóng viên Tân Hoa Xã cho thấy, mặt hàng thực phẩm chế biến tinh được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Nhưng dường như đằng sau thứ hạt “trắng, mịn, đẹp” đó lại tồn tại vấn đề thất thoát do chế biến quá tinh.
Thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi năm 2014 cho thấy, Trung Quốc mất hơn 7,5 tỷ kg lương thực mỗi năm do gia công quá tinh.
Tại xưởng chế biến gạo ở Cáp Nhĩ Tân, tiếng máy gầm rú, máy sàng làm sạch, máy xát gạo và máy đánh bóng đang hoạt động. Sau khi thóc được đưa vào xưởng, nó sẽ trải qua 28 quy trình chế biến, cuối cùng là thành phẩm gạo đánh bóng với màu sắc tươi sáng.
Biện Kính Hiệp, Phó tổng giám đốc công ty này, cho biết từ thóc thành gạo sẽ trải qua 28 quy trình bao gồm ba công đoạn đánh bóng và mỗi công đoạn đánh bóng sẽ làm tăng hao hụt và giảm năng suất gạo một hoặc hai điểm phần trăm.
Tân Hoa Xã đưa ví dụ, 50 kg thóc sau khi xát vỏ sẽ thu được 40kg gạo thô, gạo thô xay kỹ thành gạo trắng sẽ tổn thất thêm 5kg nữa, rồi lại trải qua hai lần đánh bóng, hai lần sàng lọc sẽ tổn thất thêm 2 kg. Theo cách này, khoảng 7 kg gạo có thể ăn được đã bị tổn thất.
Một cán bộ nông nghiệp ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam tiết lộ, một số công ty chỉ có thể thu được hơn 15 kg gạo tinh từ 50 kg gạo thô, còn lại hầu hết là gạo tấm, chỉ có thể dùng làm thức ăn gia súc.
Ông Ngụy Hậu Khải, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết gia công tinh lương thực có ý nghĩa tích cực trong việc mở rộng chuỗi ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phát triển của ngành sản xuất lương thực Trung Quốc. Tuy nhiên, gia công quá mức, vượt quá một tiêu chuẩn nhất định sẽ làm tăng tổn thất lương thực.
Ông Tôn Bân, Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Hồng Nguyên, Hắc Long Giang, nói rằng nhiều người tiêu dùng có thể không biết rằng càng xay xát thì càng đánh mất phần biểu bì giàu chất dinh dưỡng của lúa mì, thóc gạo.