Video: Bánh tráng ở Bình Định
Làng bánh tráng Trường Cửu (thị xã An Nhơn) là một trong những làng bánh nổi tiếng của vùng đất võ. Những ngày cuối tháng Chạp, trong làng đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những phên bánh phơi khắp các nẻo đường.
Mỗi dịp Tết đến, người dân phải tăng công suất lên gấp 3-4 lần mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi ngày, các lò bánh sản xuất hơn 3 tấn gạo, với khoảng 20.000 chiếc bánh các loại như bánh tráng gạo, bánh mì, bánh mè, bánh cuốn chả ram….
Người phụ nữ cắt bánh để đem đi phơi.
Theo người dân trong làng, trước đây hầu hết các lò sản xuất bánh tráng đều làm theo phương pháp thủ công. Việc xay bột bằng cối đá nên mỗi ngày cho ra chẳng được bao nhiêu sản phẩm, lời lãi kéo theo cũng thấp.
Vào những dịp lễ Tết, nhu cầu bánh tráng trên thị trường tăng cao. Để thuận lợi cho việc sản xuất, những năm gần đây, nhiều hộ làm bánh tráng Trường Cửu đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nâng cấp lò bánh, qua đó giúp cho việc xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt.
Thậm chí để chủ động hơn khi thời tiết xấu không phơi được bánh, một số hộ còn đầu tư xây dựng lò sấy.
Bên cạnh đó, người dân địa phương còn cải tiến ra nhiều loại bánh theo thị hiếu của khách hàng. Nhờ vậy mà bánh tráng mang thương hiệu Bình Định ngày càng phát triển và phân phối đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bánh tráng sẽ cắt ra thành hình vuông và sau đó vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Minh Huy (chủ lò sản xuất bánh tráng) cho biết: “Nhờ khâu chọn lựa nguyên liệu kỹ lưỡng nên sản phẩm làm ra có chất lượng cao, làm đến đâu tiêu thụ đến đó.
Trung bình mỗi ngày lò bánh tráng làm hơn 10kg gạo, được khoảng 300 chiếc bánh. Riêng tháng Chạp, sản lượng tăng gấp đôi, gấp ba so với những ngày thường”.
Không chỉ làng bánh tráng Trường Cửu rộn ràng mà không khí lao động ở làng Nhơn Hưng cũng rất nhộn nhịp.
Đâu đâu cũng tất bật cảnh người tráng bánh, người phơi, người đóng gói để kịp giao hàng cho khách. Năm nay, giá bánh tăng cao hơn mọi năm nên ai cũng rạng ngời niềm vui được giá.
Thị trường tiêu thụ cũng tăng mạnh nên sản phẩm làm ra bao nhiêu lại hết bấy nhiêu. Nhiều hộ sản xuất cho biết, trước đây mỗi cây bánh chỉ bán được 750.000 đến 800.000 đồng. Hiện nay, giá đã tăng đến 1 triệu đồng vẫn không đủ bán.
Bánh tráng ở Bình Định có rất nhiều loại.
Bà Nguyễn Thị Trúc – chủ lò bánh ở Nhơn Hưng chia sẻ: “ Những năm trước, mỗi ngày tôi chỉ tráng khoảng 10kg, nhưng năm nay tăng gấp đôi vẫn không đủ hàng giao cho khách. Trung bình mỗi ngày xuất lò khoảng 1.000-2.000 bánh cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam”.
Bình Định còn có nhiều làng bánh tráng nổi tiếng khác, mỗi làng mỗi vẻ, mỗi hương vị bánh riêng. Huyện Tây Sơn, Tuy Phước nổi tiếng với bánh mè khổ lớn.
Bánh tráng Vân Canh thơm dày nướng ăn giòn rụm. Xứ dừa Hoài Nhơn nức tiếng với bánh tráng nước dừa Tam Quan…
Dù ở đâu, dù là Tết hay bất kỳ dịp nào, bánh tráng vẫn theo chân người dân đi khắp mọi miền đất nước, mang theo mùi gạo thơm nồng chân quê.