Công bố 67 vụ thử nghiệm hạt nhân trên quần đảo Marshall Quần đảo Marshall kiện các cường quốc hạt nhân ra Tòa án Quốc tế
Cách Los Angeles khoảng 5.000 hải lý về phía Tây và cách đường xích đạo khoảng 500 hải lý về hướng Bắc, ngay trên dải cát san hô trắng ở giữa Thái Bình Dương là một cấu kiện vòm bê tông khổng lồ, nó luôn nhấp nhô theo sóng thủy triều.
Trên quần đảo Marshall, Mái vòm Runit có kích cỡ lên tới 35 hồ bơi chuẩn Thế vận hội, và nó cũng đậy lên một khối lượng chất thải và đất phóng xạ do Mỹ tạo ra, bao gồm một lượng lớn Plutonium gây chết người.
Quốc đảo Marshall bỗng nhiên trở thành nạn nhân của các vụ thử nghiệm hạt nhân của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh. Trong khoảng giữa thời gian năm 1946 và 1958, Mỹ đã kích nổ 67 quả bom hạt nhân trên quần đảo Marshall, tạo ra vô số hố nông và khiến cho hàng trăm dân bản địa phải di tản.
Mỹ đã tẩy sạch đất nhiễm độc trên đảo san hô vòng Enewetak, và tờ The Times còn tiết lộ quân đội Mỹ đã chôn vùi 130 tấn nhiễm phóng xạ ở khu thử nghiệm Nevada.
Người Marshall giận dữ
Dân ở quần đảo Marshall giờ đây đang lo sốt vó khi thứ mà họ gọi là “Lăng mộ” (Mái vòm Runit) có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào bởi tác động của biến đổi khí hậu. Giới chức Marshall đề nghị chính quyền Mỹ phải giúp đỡ, nhưng người Mỹ phủi tay với lý do “Lăng mộ” nằm trên đất Marshall và việc xử lý phải do quốc đảo tự hành động.
Bà Nerje Joseph, 72 tuổi, năm lên 7 tuổi đã chứng kiến việc người Mỹ cho kích nổ quả bom hạt nhân lớn nhất mang tên Castle Bravo ở phía Bắc quần đảo Marshall. Ảnh nguồn: LA Times.
Bà Hilda Heine, Tổng thống Cộng hòa Marshall bức xúc trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9-2019 tại phủ tổng thống: “Chúng tôi đâu có điên mà nhận nó. Đâu có ai muốn xây nó. Tự nhiên, rác chình ình trong nhà mình”.
Người Marshall đổ lỗi người Mỹ và các quốc gia công nghiệp hóa là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, đang đe dọa sẽ nhấn chìm quốc đảo với 29 đảo san hô thấp. Ông Michael Gerrard, một học giả pháp lý tại trường luật (Đại học Columbia) chắc nịch: “Hoa Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho các vụ thử hạt nhân ở Marshall”.
Suốt 15 tháng qua, một nhóm chuyên gia của tờ báo Los Angeles Times và trường báo chí Đại học Columbia đã thực hiện 5 chuyến đi đến quần đảo Marshall, họ đã phỏng vấn dân địa phương mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Các nhà lãnh đạo Marshall tuyên bố chính quyền Mỹ đã lừa dối họ về mức độ tàn phá của các đợt thử hạt nhân.
Đơn cử như người Mỹ giấu nhẹm thông tin cho người Marshall rằng vào năm 1958 đã lén lút vận chuyển 130 tấn đất nhiễm xạ ở Nevada đến quần đảo Marshall. Nhiều lãnh đạo Marshall hết kiên nhẫn với lời hứa đảm bảo an toàn lâu dài của người Mỹ.
Hai nước Mỹ và Marshall cùng thành lập tòa án chung vào năm 1988 và kết luận rằng Mỹ nên trả 2,3 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại cho người Marshall, nhưng cả Quốc hội và Tòa án Mỹ cùng từ chối, và thực tế họ chỉ bồi thường đúng 4 triệu USD.
Bà Karen Stewart, đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Marshall giải thích: “Mỹ đã chi trả 600 triệu USD cho các công tác tái định cư, phục hồi và chăm sóc y tế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thử nghiệm”. Tháng 10-2019, các nhà lập pháp quốc đảo Marshall kêu gọi cộng đồng quốc tế phải giảm khí thải nhà kính mà họ tuyên bố là “khủng hoảng khí hậu quốc gia”.
Mặt khác, Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến quần đảo Marshall và các quốc đảo Thái Bình Dương, Bắc Kinh muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Toan tính của Trung Quốc khiến Mỹ không thể làm ngơ vụ Marshall, nhất là thái độ quyết liệt của Tổng thống Heine. Quần đảo Marshall là tàn tích của một tập hợp các núi lửa cổ xưa. Người Marshall đã định cư ở đây từ 3.000 năm trước.
Hé lộ cuộc thử nghiệm vũ khí
Giới chức Mỹ hồi giữa thập niên 1940, họ đánh giá vùng biển quanh quần đảo Marshall rộng 750.000 dặm vuông (lớn gấp 5 lần tiểu bang California) là một địa điểm tuyệt hảo cho việc thử nghiệm kho vũ khí nguyên tử.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân Castle Bravo và những địa điểm khác trong quần đảo Marshall đã giúp Mỹ thiết lập uy tín về kho vũ khí hạt nhân của mình trong cuộc chạy đua chống lại kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh: Liên Xô. Các cuộc thử nghiệm đã biến người Marshall thành chuột bạch cho các nghiên cứu bức xạ của Mỹ.
10 năm sau vụ thử nghiệm Castle Bravo, vào năm 1967, 17 trong số 19 trẻ em dưới 10 tuổi bị phát triển các hội chứng tuyến giáp; 1 trẻ chết vì bệnh bạch cầu. Di sản của chương trình thử nghiệm hạt nhân không đâu rõ nét bằng ở đảo san hô vòng Enewetak. Giữa các năm 1948 và 1958, quân đội Mỹ đã cho kích nổ 43 quả bom nguyên tử ở Enewetak.
Trong cuộc cạnh tranh hạt nhân với Anh và Liên Xô, Mỹ đã dùng đảo Enewetak làm nơi thử nghiệm các vũ khí sinh học. Trong vòng 18 năm tiếp đó, từ California, Mỹ đã bắn tên lửa đạn đạo đến Enewetak, thử nghiệm các dạng vi khuẩn và kích nổ một chuỗi quả bom lớn. Suốt 3 thập kỷ thử nghiệm của Mỹ, đảo Enewetak biến thành hoang tàn như bãi chiến trường.
Trong 112 ngày vào năm 1958, Mỹ đã cho kích nổ 35 quả bom trên quần đảo Marshall, các quả bom được cho nổ trên trời, dưới biển và trên đỉnh các đảo. Chưa hết, một thập kỷ sau đó (năm 1968), các nhóm từ Bộ Quốc phòng Mỹ đã thiết lập một cuộc thử nghiệm mới. Lần này là họ thử nghiệm các vũ khí sinh học gồm bom và tên lửa chứa đầy vi khuẩn để hạ gục địch.
Theo ông Ed Regis, tác giả của cuốn sách “Mái vòm sinh học” thì các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã tạo ra các đám mây sinh học được tăng cường bởi độc tố tụ cầu vàng B (một tác nhân sinh học gây ra chứng sốc độc và ngộ độc thực phẩm, và được đánh giá là “một trong những siêu vi khuẩn mạnh nhất”).
Theo các tài liệu quân sự, quân đội Mỹ đã sử dụng một loại vũ khí bao phủ phạm vi 926,5 dặm vuông (lớn gấp 2 lần diện tích Los Angeles ngày nay) và đạt tỷ lệ thương vong 30%.
Bí ẩn “lăng mộ hạt nhân”
Mái vòm Runit được xây dựng ngay trên một miệng núi lửa được tạo ra từ một quả bom hạt nhân của Mỹ, nó được thiết kế để chôn mọi đất bẩn và nhiễm xạ mà Mỹ đã thử nghiệm 43 quả bom trên đảo Enewetak. Suốt 3 năm, 4.000 quân nhân Mỹ đã múc đất nhiễm xạ ở một khu vực rộng tương đương 33 hồ bơi chuẩn Thế vận hội và chôn hết xuống miệng núi lửa trên đảo Runit.
Tất cả được trộn trong bê tông và đổ xuống cái hố và trên bề mặt được đậy bằng một mái vòm bê tông khổng lồ. 6 người đã chết trong lúc dọn đất; hàng trăm người khác phát bệnh ung thư (chính phủ Mỹ từ chối thừa nhận).
Được xây dựng vào cuối thập niên 1970, Mái vòm Runit đang có dấu hiệu suy tàn. Theo các tài liệu quân sự chưa được phân loại, việc xây dựng Mái vòm Runit cũng được Hoa Kỳ cho là “đã hoàn thành nghĩa vụ đạo đức”.
Chuyên gia khoa học Hamilton, một nhà thầu của Bộ Năng lượng Mỹ, bức xúc nói rằng “Mái vòm Runit” được xây dựng không phù hợp với các quy định của Ủy ban điều tiết hạt nhân Hoa Kỳ. Chuyên gia Hamilton cảnh báo: “Bất kỳ sự rò rỉ nguồn plutonium trong Mái vòm Runit đều đe dọa tới an ninh lương thực cho người dân Marshall”.
Và tại hội nghị vào tháng 5-2019, ông Hamilton lưu ý rằng “Lăng mộ hạt nhân” đang bị lung lay bởi sóng thủy triều, đe dọa tới sự rò rỉ của nước bức xạ vào các đầm phá trong vùng. Song ông Hamilton cũng trấn an rằng các đánh giá của ông dựa trên những tài liệu từ các thập niên 1970 và 1980 cho thấy rằng nước trong đầm Enewetak bị ô nhiễm hơn là bên trong mái vòm.
Ông Hamilton chắc nịch: “Plutonium chỉ xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các vết xước trên da. Còn nếu nó chảy ra đầm Enewetak thì không hề hấn gì”. Chuyên gia Hamilton trăn trở về vấn đề Marshall: Trong quá khứ, người Mỹ hứa sẽ dọn sạch chất thải hạt nhân. Nhưng hiện tại, họ ngại ngần chuyện chi phí cao”.
Ông Griego, một nhà hóa học bức xạ và đồng thời là chỉ huy của Hội cựu binh nguyên tử quốc gia Mỹ (NAAV), ông từng làm nhà thầu tại Enewetak vào năm 1978. Ông Griego than thở: “Tôi thấy nước biển dâng. Tôi biết người dân đang đổ bệnh. Mái vòm Runit rất nguy hiểm. Nó mà sụp thì mới biết chuyện gì xảy ra”.
Mái vòm bê tông khổng lồ nơi chôn vùi chất thải hạt nhân trên đảo Runit, nó được gọi bằng cái tên “Mái vòm Runit”, hoặc “Lăng mộ hạt nhân”. Ảnh nguồn: LA Times.
Các nhà khoa học khí hậu cùng nhất trí: “Nước biển quanh quần đảo Marshall đang dâng cao và ngày càng ấm hơn”. Các nhà khoa học quả quyết những sự cố biển sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu.
Kể từ năm 1993, mực nước biển đã dâng cao 0,3 inch / năm tại quần đảo Marshall (cao hơn so với mức trung bình toàn cầu từ 0,11 inch đến 0,14 inch. Dựa theo dự báo của Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì mực nước biển sẽ dâng cao từ 4 đến 5 feet vào cuối thế kỷ 21, nhấn chìm phần lớn quốc đảo Marshall.
Ông Curt Storlazzi, một kỹ sư địa chất tại Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) thì chỉ cần nước biển tăng thêm một chút sẽ làm hủy hoại cơ sở hạ tầng và ô nhiễm luôn cả dự trữ nước ngầm.
Tổng thống Heine khẳng định: “Nhiều người dân Marshall không muốn rời bỏ nhà cửa của họ. Đất đai là một phần của sự tồn tại nền văn hóa của chúng tôi”. Sự bùng phát dịch bệnh ở Thái Bình Dương cũng có liên quan đến biến đổi khí hậu. Cộng hòa Marshall đang đấu tranh với đợt dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong lịch sử với hơn 1.000 người bị nhiễm bệnh.
Sức ép giành ảnh hưởng của Trung Quốc
Với nhiều người Mỹ, quần đảo Marshall nổi tiếng trong các phim quái vật và là một biểu tượng hoạt hình. Các sách giáo khoa và giáo trình lịch sử trường trung học Mỹ không hề thấy nhắc đến quần đảo Marshall hoặc chương trình thử nghiệm hạt nhân và chương trình thí nghiệm con người ở đây.
Suốt 3 thập kỷ qua, người dân Marshall liên tục bị chính quyền Mỹ từ chối bồi thường thiệt hại về sức khỏe và môi trường do các thử nghiệm hạt nhân. Tòa án tuyên bố hạt nhân (NCT, một trọng tài độc lập được thành lập bởi Hiệp ước chung Mỹ - quần đảo Marshall) đã ra phán quyết yêu cầu chính quyền Mỹ phải bồi thường khoản thiệt hại hơn 2 tỷ USD.
Nhưng phía Mỹ chỉ mới chi 4 triệu USD và không tồn tại cơ chế thực thi nào. Thời gian gần đây, bà Tổng thống Heine đã có tiếng nói mạnh mẽ trong các sự kiện quốc tế.
Gần đây, Quốc đảo Marshall đã giữ một ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHRC), trao cho quốc gia nhỏ này một diễn đàn để nói các vấn đề của mình. Vị trí địa chính trị cũng làm thay đổi diện mạo của Marshall.
Đó là việc Trung Quốc đã vươn tới trung Thái Bình Dương bằng cách cung cấp các gói viện trợ và cho vay tới nhiều quốc gia, vượt mặt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất khu vực.
Theo một báo cáo của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung thì: “Trung Quốc đang cố gắng làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương tiến tới làm suy yếu sự hiện diện của quân đội Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc thế chân vào”.
Hồi tháng 9-2019, 2 đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương là Kiribati và Quốc đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và ôm lấy Trung Quốc.
Washington không chịu lép vế. Tháng 8-2019, Ngoại trưởng Mỹ- Michael R. Pompeo đã bay tới Micronesia để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của những quốc gia Thái Bình Dương bao gồm cả quần đảo Marshall.
Ông Pompeo tuyên bố sẽ mở rộng hiệp ước với quần đảo Marshall thông qua việc cung cấp viện trợ để đổi lại là sự hiện diện của quân đội Mỹ, và ưu tiên việc làm cho người Marshall ở Mỹ.
Tuyên bố của ông Pompeo khiến người dân Marshall ngạc nhiên vì họ nghĩ hiệp ước chung sẽ kết thúc vào năm 2023 có bao gồm khoản tài trợ hàng năm từ Mỹ với tổng số tiền 30 triệu USD/ năm. Giới chức Marshall nhận ra rằng đất nước mình sẽ có quyền đàm phán mới.
Tuy vậy, nhiều người Marshall nói rằng họ không muốn xài tiền Mỹ hoặc lời xin lỗi sáo rỗng, mà chỉ cần một ngôi nhà an toàn và an ninh ngay trên đất nước mình.