Lên ngôi từ năm 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng trở thành vị hoàng đế đầu tiên và cũng là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Khoảng cách lịch sử hơn 2.000 năm phủ lên cuộc đời ông với nhiều huyền thoại và truyền thuyết thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, Vạn Lý Trường Thành hay kênh Linh Cừ hiện còn tồn tại cho đến ngày hôm nay đã chứng minh tài năng và tầm nhìn vượt thời đại của vị "thiên cổ nhất đế" này.
Sự nghiệp lừng lẫy là vậy nhưng cuộc sống riêng tư của Tần Thủy Hoàng lại tràn ngập bi kịch, đặc biệt là số phận gia đình ông. Căn cứ theo các dữ liệu lịch sử thu thập được, các chuyên gia tin rằng Tần Thủy Hoàng có đến 33 người thừa kế.
Hình tượng Tần Thủy Hoàng trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc. Nguồn Sohu
Trong đó, nổi tiếng nhất là hai hoàng tử Phù Tô (242 TCN- 210 TCN) và Hồ Hợi (229 TCN- 207 TCN) - người sau này trở thành vị hoàng đế thứ hai của nhà Tần. Đặc biệt không thể không kể đến Doanh Âm Man - vị công chúa mà Tần Thủy Hoàng yêu quý nhất.
Là một công chúa được phụ hoàng thương yêu, Doanh Âm Man đương nhiên có một cuộc sống xa hoa, vô lo vô nghĩ trong hoàng cung. Không có bất kỳ ghi chép lịch sử nào về mẹ ruột của cô nhưng tương truyền bà là sủng phi của vua Tần.
Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, công chúa Doanh Âm Man một đêm mất hết tất cả. Hơn thế, cô bị anh trai mình là Hồ Hợi xử tội chết, ngũ mã phanh thây.
Hình tượng công chúa Doanh Âm Man trong một bộ phim truyền hình. Nguồn: Sohu
Vào tháng 10/1976, các chuyên gia đã khai quật một quần thể mộ cổ ở phía đông dãy núi Tần Lĩnh (Thiểm Tây, Trung Quốc). Sau khi khai quật 8 ngôi mộ đầu tiên, các chuyên gia đã phát hiện ra một chi tiết vô cùng bất thường.
Cái chết thương tâm
Hầu hết các hài cốt trong những ngôi mộ này đều được chôn cất vô cùng lộn xộn: Một số thi thể bị tách rời tứ chi, một số đầu lâu tách khỏi thân thể hay bị mũi tên xuyên qua. Điều này chứng tỏ những người này khi còn sống đều đã bị giết hại dã man.
Việc những ngôi mộ này được an táng tại phụ cận núi Tần Lĩnh kết hợp với số lượng đồ tùy táng trong lăng mộ rất phong phú và quý giá đã giúp các chuyên gia phán đoán rằng thân phận của họ nhất định có liên quan đến hoàng thất nhà Tần, mà đặc biệt là tần Thủy Hoàng.
Các chuyên gia khai quật trong hầm mộ. Nguồn: Sohu
Bí ẩn về ngôi mộ được hé lộ khi người ta tìm thấy một con dấu khắc hai chữ "阳滋"(Dương Tư) trong lăng mộ. Các chuyên gia cho rằng đây chính là con dấu chứng tỏ thân phận của công chúa Doanh Âm Man. Từ đây bi kịch đẫm máu nơi hoàng cung được hé lộ.
Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà (210 TCN), Hoàng tử Hồ Hợi cấu kết với thái giám Triệu Cao làm giả thánh chỉ của phụ hoàng, âm mưu hại chết Thái từ Phù Tô để lên ngôi Hoàng đế. Sau đó, Hồ Hợi đã ra tay tàn sát tất cả những kẻ chống đối, đặc biệt còn giết hại các anh chị em của mình.
Hoàng cung "máu chảy thành sông", 12 vị hoàng tử bị chém ở chợ Hàm Dương, 10 vị công chúa bị phanh thây. Thế nhưng, chính Hồ Hợi cũng không thoát khỏi số phận bi kịch. Tại vị được 3 năm, triều đình loạn lạc, Hồ Hợi bị bức thoái vị rồi tự sát trong tủi nhục. Nhà Tần cũng bắt đầu sụp đổ từ đây.
Bài viết tham khảo từ Sohu