Vùng đất La Hà nay thuộc xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn. Chỉ trong gần 1 thế kỷ dưới thời nhà Nguyễn, La Hà có đến 5 vị đỗ đại khoa tiến sĩ, 1 phó bảng và 32 người đỗ hương khoa tú tài, cử nhân…cùng đông đảo giới nho sinh “tầm sư học đạo”. Vùng đất này được xếp thứ 2 trong “bát danh hương” và là làng khoa bảng nổi tiếng nhất Quảng Bình.
Đất thiêng sinh hiền tài
Thôn La Hà như một “ốc đảo” giữa dòng sông Gianh bởi bốn bề là nước. Thuở khai thiên lập địa, 2 nhánh chính của sông Gianh là nguồn Son và nguồn Nậy đổ về cửa Hác gặp nhau tạo nên một bãi nổi khá lớn. Vùng đất này có hình tựa con cá chép bơi ngược, với 5 nhánh sông phụ đổ dồn vào nên người ta thường ví La Hà là “Ngũ long tranh châu”.
Năm Lê Thánh Tông (1640-1697), trong một lần Nam chinh, nhà Vua thấy địa thế bãi nổi này kỳ lạ bèn cho lập làng lấy tên La Hà xã, nghĩa là ngôi làng bao bọc bởi sông nước và cũng từ đây mảnh đất này sản sinh ra một nền văn hóa độc đáo, nuôi dưỡng nhiều nhân tài tuấn kiệt.
Đình làng thôn La Hà - nơi ghi danh nhiều tiến sĩ, phó bảng được công nhận là di tích lịch sử tỉnh Quảng Bình
Đất La Hà tuy nghèo nhưng hiếu học và nức tiếng sản sinh nhân tài. Dưới thời nhà Nguyễn, toàn huyện Quảng Trạch có 15 vị đại khoa, riêng La Hà có 6 vị, nhiều nhất trong huyện. Trong các kỳ thi hương, từ năm Quý Dậu 1813 đến năm Mậu Ngọ 1918, có 270 vị đỗ cử nhân, trong đó huyện Quảng Trạch có 113 vị, riêng La Hà có tới 32 vị, cũng chiếm số lượng nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh Quảng Bình.
Tấm bia ghi danh các tiến sĩ, phó bảng ở đình làng La Hà
Dưới triều vua Tự Đức năm Tân Hội thứ tư 1851, trong kỳ thi hội đã ghi nhận một bảng vàng rực rỡ nhất cho Quảng Bình khi toàn tỉnh thời điểm ấy có 3 tiến sĩ thì riêng La Hà đã có 2 vị. Điều thú vị, 2 người đỗ đạt ở La Hà là thầy - trò “lều chõng” cùng nhau. Thầy là Phạm Nhật Tân (41 tuổi), còn trò là Trần Văn Hệ (24 tuổi). Năm ấy, cả 2 thầy trò cùng lên kinh ứng thí và cùng đỗ một khóa thi, điều mà các triều đại phong kiến xưa cho là quý hiếm.
Nổi tiếng hiếu học ở La Hà là dòng họ Trần và họ Phạm. Họ Trần có 2 anh em là Trần Văn Chuẩn đỗ tiến sĩ, em là Trần Văn Thức đỗ cử nhân. Hai cha con cùng thi đỗ đạt và làm quan là tiến sĩ Trần Văn Hệ và con trai là Trần Hữu Xứng đỗ cử nhân. Họ Phạm cũng có 2 cha con Phạm Huy Bính, Phạm Huy Rinh cùng đỗ cử nhân.
Sử sách ghi lại, La Hà có tới hàng trăm người có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ. Với thành tích khoa bảng rực rỡ như vậy nên người Quảng Bình truyền miệng câu ca: “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan”.
“Vật giao La Hà trái”
Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quảng Văn, 1 bậc cao niên dẫn chúng tôi vào đình làng của thôn La Hà và kể nhiều câu chuyện mà ông thuộc làu khi giới thiệu về ngôi làng khoa bảng của mình.
Đến nay, người dân thôn La Hà vẫn lưu truyền và kể lại đức tính hiếu học của 3 anh em nhà họ Trần, là: Trần Khắc Mẫn; Trần Khắc Thận và Trần Khắc Khoan. Tương tuyền, 3 anh em họ Trần vì nhà quá nghèo nên không có tiền mời thầy dạy, mua đèn sách. Họ dùng mo cau hoặc nang tre làm giấy viết. Hằng ngày, ngoài việc xuống sông mò cua, bắt ốc kiếm sống thì 3 anh em đã lén lút đến nhà thầy, nấp phía sau nghe trộm bài thầy giảng rồi chép lại. Đến đêm, cả 3 anh em bắt đom đóm bỏ vào bong bóng lợn (bàng quan con heo) làm đèn “dùi mài kinh sử”.
Ông Phạm Văn Mùi tự hào khi kể lại chuyện khoa bảng ở làng La Hà với phóng viên Báo Người Lao Động
Trong 3 anh em, thì anh cả Mẫn và em út Khoan trong kì thì lần đầu đã đỗ đạt và làm quan đến chức án sát dưới thời vua Minh Mạng, còn cụ Thận “học tài thi phận” khi thi 7 lần không đỗ, lần thứ 8, cụ mới thi đỗ tú tài. Triều đình xét thấy đức tính kiên nhẫn, hiếu học của cụ nên “đặc cách” cho đỗ cử nhân, phong làm quan tri huyện và được nhà Vua ban tặng cho câu đối: “Nhất cử thành danh thiên hạ hữu, Bát khoa liên trúng thế gian vô” - nghĩa là 1 lần đỗ đạt làm quan nhiều vô kể, còn thi 8 lần mới làm quan thì thiên hạ không bao giờ có.
Dưới thời nhà Nguyễn, La Hà có đội ngũ trí thức đông đảo tài cao, học rộng, nhiều người làm quan to nên nhân dân trong vùng rất nể phục thậm chí có phần ái ngại khi giao lưu với người trong làng. Bởi vậy nên có câu thành ngữ “Vật giao La Hà trái”.
Bên trong ngồi đình cổ thờ các tiến sĩ, phó bảng và những người đỗ đạt cao ở La Hà
Tiến sĩ Trần Văn Chuẫn - một người La Hà từng được cử làm Phó sứ dưới thời Tự Đức đi công cán ngoại giao tại Trung Quốc. Nhờ tài năng ứng đối giữ gìn quốc thể, làm quan có chứng tích, lại thanh liêm mà về sau cụ Chuẫn được nhà vua thăng làm Tổng đốc Nghệ An, rồi lên Thượng thư Bộ Công…
Xếp thứ 2 trong "Bát danh hương" của Quảng Bình
Trong quá trình lịch sử, Quảng Bình đã hình thành nhiều ngôi làng là những địa danh nổi tiếng có những nét văn hóa độc đáo, khoa bảng, phong cảnh kỳ thú, trai gái tài sắc…riêng biệt và được truyền tụng từ bao đời nay với tên gọi là "Bát danh hương" nghĩa là 8 ngôi làng: "Sơn - Hà - Cảnh - Thổ, Văn - Võ - Cổ - Kim", gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xa, Cổ Hiền và Kim Nại. Trong đó La Hà được xếp thứ 2 với danh hiệu "Làng Khoa bảng".