Nội dung chính
- Đặc khu kinh tế Phnom Penh (Campuchia) cách biên giới với Việt Nam chỉ 200km, kết nối thuận tiện với Bangkok (Thái Lan)
- Đặc khu này thu hút nhiều doanh nghiệp toàn cầu, từ Trung Quốc, Nhật Bản...
Thành lập năm 2006, Đặc khu kinh tế Phnom Penh (PPSEZ) có diện tích 3,57km2. Đây là một trong những khu công nghiệp hàng đầu ở Campuchia, đứng sau một khu công nghiệp rộng 10km2 do một doanh nghiệp Trung Quốc điều hành ở Sihanoukville.
Đặc khu kinh tế Phnom Penh có vị trí chiến lược, nằm tại thủ đô Phnom Penh, cách Mộc Bài (biên giới Việt Nam - Campuchia) chưa tới 200km và cách Bangkok (Thái Lan) hơn 500km.
"Về mặt địa lý, rất dễ để bổ sung cho chuỗi cung ứng của Thái Lan. Chúng tôi đã cố gắng thu hút các doanh nghiệp Thái đến PPSEZ bằng chiêu 'Thailand Plus One' khi các công ty nước này tìm cách mở thêm cơ sở sản xuất mới ở các nước láng giềng do chi phí tăng cao", CEO Hiroshi Uematsu nói với Nikkei Asia.
Cũng theo Nikkei Asia, Royal Group PPSEZ trở thành cổ đông lớn nhất vào tháng 11/2021. Giá trị xuất khẩu của PPSEZ đã tăng gấp đôi, từ 316 triệu USD trong năm 2016 lên 683 triệu USD vào năm 2021. Xuất khẩu lại tiếp tục tăng gần gấp đôi lên 1,346 tỷ USD trong năm 2022, tăng mạnh lên 1,621 tỷ USD vào năm ngoái.
PPSEZ đã trở thành động lực chính cho nền kinh tế Campuchia.
Hiện tại, hãng linh kiện điện tử MinebeaMitsumi của Nhật Bản là đơn vị thuê lớn nhất trong một thời gian dài, sản xuất các sản phẩm ổ trục và động cơ.
Sau đó, hãng dệt may Marvel Garment của Trung Quốc đã giành vị trí quán quân của MinebeaMitsumi khi mối quan hệ song phương giữa Phnom Penh và Bắc Kinh ngày một nồng ấm.
"Marvel Garment bắt đầu hoạt động vào năm 2020, hiện là công ty lớn nhất tại đặc khu theo ba thông số chính. Marvel thuê 50ha, sử dụng 17.000 công nhân và có giá trị xuất khẩu cao nhất ở đây. Marvel đang đại diện cho sự thay đổi của PPSEZ", Uematsu cũng nói rằng các hãng gia công cho Nike, Polo và hãng thời trang cũng có mặt, phần lớn sản phẩm xuất sang Mỹ.
Nhà máy Angkor Milk Products (AMP), thuộc sở hữu Việt Nam duy nhất tại Đặc khu kinh tế Phnom Penh, theo trang web của PPSEZ. AMP là liên doanh giữa tập đoàn Vinamilk với BPC Trading của Campuchia vào năm 2013, hoạt động tại PPSEZ từ năm 2015. Đến năm 2017, Vinamilk chi thêm 10 triệu USD để sở hữu 100% Angkor Milk Products.
Đầu tư nước ngoài vào Campuchia tăng trưởng mạnh
Một số nhà máy khác của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản cũng lập thêm cơ sở tại Phnom Penh. Trên website của Đặc khu kinh tế Phnom Penh, logo của hàng loạt công ty nổi tiếng toàn cầu đã xuất hiện với tư cách đơn vị thuê: Rohto, TOA, Toyota, Ajnomoto...
Các dịch vụ hậu cần và hải quan cho hàng từ Cát Lái (Việt Nam) sang Phnom Penh vì thể phát triển mạnh.
Uematsu cho biết Campuchia sẽ thu hút nhiều công ty hơn khi các doanh nghiệp này tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nhằm đáp ứng những thay đổi địa chính trị.
"Nếu ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới, đối đầu thương mại Mỹ – Trung có thể leo thang. Campuchia sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự chú ý của bên ngoài bởi đây là điểm đến tái định cư sản xuất", Uematsu nói. Ông nhấn mạnh tình hình ổn định chính trị là lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài của đất nước chùa tháp.
Hồi đầu tháng 7, Khmer Times dẫn báo cáo từ Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cho biết CDC đã phê duyệt 3,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho 190 dự án trong sáu tháng đầu năm 2024, gần gấp đôi (tăng 194%) so với mức đầu tư 1,1 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, cơ quan này đã phê duyệt 190 dự án đầu tư. Và khoản đầu tư mới dự kiến sẽ tạo ra khoảng 168.572 việc làm.
Các dự án được đầu tư mới vào nhà máy sản xuất điện tử, nhà máy lắp ráp xe đạp điện - xe máy, nhà máy thép, nhà máy dệt may, cùng nhiều dự án khác.
CDC cho biết Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Campuchia, đóng góp 42,64% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này. Tiếp theo là đầu tư từ Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Canada và Nhật Bản.