Láng giềng ghi nhận tỷ lệ nợ kỷ lục - vượt gần 300% GDP, Việt Nam kiểm soát nợ công ở mức an toàn

Dy Khoa |

Tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này đã tăng lên mức cao kỷ lục 287,8% vào năm 2023. Nợ công của Việt Nam chiếm khoảng 39-40% GDP.

Theo báo cáo hàng quý do Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (Trung Quốc, NIFD) công bố, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 287,8% vào năm 2023, tờ Caixin Global nêu.

Cụ thể, tỷ lệ nợ của hộ gia đình tăng 1,3 điểm phần trăm lên 63,4% và tỷ lệ nợ chính phủ tăng 5,3 điểm phần trăm lên 55,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ dành cho các tập đoàn phi tài chính có mức tăng lớn nhất, với mức tăng 6,9 điểm lên 168,4%.

Báo cáo cũng cho biết tổng nợ phải trả của khu vực doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình tăng với tốc độ chậm hơn ở mức 9,8% vào năm 2023, hầu như không thay đổi so với năm ngoái.

NIFD cho rằng cả việc giảm nợ và tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc tăng đáng kể đều là do tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa chậm lại. Cơ quan nghiên cứu này cho biết thêm một đợt giảm tốc độ tăng trưởng nợ nữa sẽ có tác động đáng kể hơn đến nền kinh tế Trung Quốc.

Cơ quan này khuyến nghị chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau, chẳng hạn như tăng cường hỗ trợ chính sách, để phục hồi nhu cầu và tăng trưởng trong nước. Báo cáo cũng khuyến nghị đặt mục tiêu tăng trưởng GDP danh nghĩa ở mức 7% và bơm thêm các biện pháp kích thích nếu mục tiêu không đạt được.

Láng giềng ghi nhận tỷ lệ nợ kỷ lục - vượt gần 300% GDP, Việt Nam kiểm soát nợ công ở mức an toàn- Ảnh 1.

Năm 2023, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh minh họa.

Việt Nam kiểm soát nợ công ở mức an toàn

Trong báo cáo của Bộ Tài chính sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch), trong đó vay của ngân sách trung ương khoảng 1,279 triệu tỷ đồng (đạt 44,1% kế hoạch). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906,7 nghìn tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch). Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn.

Cụ thể, nợ công khoảng 4 triệu tỷ đồng, khoảng 39-40% GDP, giảm từ mức 42,7% GDP năm 2021. Nợ Chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, khoảng 36-37% GDP, giảm từ mức 38,7% GDP năm 2021. Về cơ cấu nợ của Chính phủ: đến cuối 2023, nợ trong nước chiếm 73% dư nợ Chính phủ, tăng từ mức 67% năm 2021.

Nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, khoảng 37- 38% GDP, tương đương với mức 38,1% GDP năm 2021. Trong cơ cấu dư nợ nước ngoài của quốc gia, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng từ mức 61,4% năm 2021 lên 70,7% năm 2023, nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài giảm từ mức 38,6% năm 2021 xuống 29,3% năm 2023.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, giảm nhẹ so với mức 21,5% năm 2021.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khoảng 7-8%, tăng so với mức 6,2% năm 2021 do trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu thắt chặt, lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp ít vay mới, chủ yếu trả nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại