Làng “cưa bom” ở Nghệ An

Quốc Khánh |

Ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang tồn tại một “Làng cưa bom”, công việc mưu sinh này tiềm ẩn một hiểm họa khó lường.

Lâu nay, tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, vẫn tồn tại một “Làng cưa bom” rất nguy hiểm. Việc mưu sinh từ nghề thu gom phế liệu luôn tiềm ẩn một hiểm họa khó lường ở địa phương này.

Cơ sở chế biến sắt thép phế thải của gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn ở Xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, có hàng chục lao động, hàng ngày họ miệt mài cưa, hoặc dùng đèn khò cắt các loại phế liệu, trong đó có cả những vỏ bình ô xy cũ, hoặc những vỏ vật liệu nổ rỉ sét.

Tiếng cưa, tiếng đèn khò cắt, tiếng máy ép và vận chuyển, tạo ra thanh âm hỗn tạp cộng thêm mùi hóa chất nồng nặc khét lẹt, làm cho không khí thêm ngột ngạt.

Những đống phế liệu lổn nhổn được máy ủi gom vào một cái thùng to rồi dùng máy ép thành tảng để đưa vào lò nung sản xuất ra phôi thép hoặc sắt xây dựng.

Ông Kiều Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy an nhân dân xã Diễn Hồng cho biết, các loại phế liệu này rất khó kiểm soát vì nó chất thành núi.

Thực tế đã có những vụ tai nạn xảy ra, cụ thể là năm 2006, tại xã đã xảy ra 2 vụ nổ do cưa vỏ bom, làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Làng “cưa bom” ở Nghệ An - Ảnh 1.

Nơi sản xuất cũng như nơi chứa phế liệu đều có các bình ga và bình oxy.

Hiện nay trên địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu có hàng chục cơ sở thu mua phế liệu và sản xuất thép thỏi, thép xây dựng.

Để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở đã tìm nhiều nguồn, kể cả nhập phế liệu là vỏ bom mìn, vật liệu nổ từ Lào về qua đường tiểu ngạch.

Ông Hà Văn Thống, Trưởng công an xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu cho biết, từ việc nắm bắt các thông tin về các vụ tai nạn chết người do bất cẩn trong thu gom và tái chế phế liệu là vật liệu dễ nổ, lực lượng công an xã đã làm nòng cốt cho việc kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất sắt thép từ phế liệu.

Làng “cưa bom” ở Nghệ An - Ảnh 2.

Các ngành chức năng tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm tra các cơ sở thu gom.

Một thực tế, các sản phẩm từ phế thải dùng để làm ra phôi thép hoặc sắt thép xây dựng đang là một nghề mang lại lợi nhuận cao cho nhiều cơ sở ở xã Diễn Hồng.

Vì thế các chủ cơ sở nhiều khi vì lợi nhuận nên thường che dấu các cơ quan chức năng về nguồn gốc phế liệu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ cơ sở chế biến phế liệu xã Diễn Hồng huyện Diễn Châu nói: "Bản thân chúng tôi cũng có gặp hòn bom, hòn đạn, có nghi nổ, thì chúng tôi lập biên bản rồi báo cáo với công an xã và chính quyền xã thu nạp lại để đưa đi tiêu hủy".

Nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đang tăng cường việc giám sát các cơ sở chế biến phế liệu.

Làng “cưa bom” ở Nghệ An - Ảnh 3.

Công nhân dùng đèn khò để cắt phế liệu.

Ông Lê Quốc Báo, Phó giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An cho biết: "Chúng tôi đang kiểm tra chuyên đề các cơ sở, các khu vực có thu gom chế biến, tái chế phế liệu sắt thép nhằm hướng dẫn cho nhân dân biết được nguy hại của bom mìn còn sót lại, hoặc là những loại vật liệu nổ, những loại nguy hiểm về cháy nổ.

Không chỉ có chắc nổ không mà còn cháy và nguy hiểm khác, các loại hoá chất lẫn lộn nguy hiểm đến tính mạng của con người".

Nguy cơ cháy nổ, đe doa trực tiếp đến tính mạng người lao động đang là tiếng chuông cảnh báo cao đối với các cơ sở làm nghề thu mua, chế biến phế liệu ở xã Diền Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại