Ông Lăng cho biết, trong mấy trăm loài cá nóc thì chỉ có 3 loài không độc. Cách nhận biết bằng mắt là con cá nóc độc lưng chúng có gai nhỏ từ đỉnh đầu chạy xuống tận đuôi. Ngược lại con có gai không liên tục trên thân không độc hoặc chưa chắc độc.
Ông Lăng cho rằng, Nhà nước khuyến cáo dân không nên ăn cá nóc nhưng dân mình giàu kinh nghiệm. Họ biết ăn con nào chết, con nào không chết.
Người dân có cách chế biến cá nóc để loại bỏ độc tố trước khi sử dụng. Ảnh: PV
"Theo các nhà khoa học nghiên cứu, thường vào mùa đẻ con trong trong gan cá nóc xuất hiện độc tố. Trái lại không phải mùa đẻ, độc tố giảm đi nên mới có chuyện ăn chết và không chết ở đây" - ông Lăng chia sẻ.
Năm 2002, UBND TP. Đà Nẵng ban hành chỉ thị về nghiêm cấm việc đánh bắt, lưu thông, mua bán và chế biến cá nóc trên địa bàn. Nhưng 15 năm qua, việc ngăn chặn người dân mua bán cá nóc luôn tồn tại một… khoảng không nào đó.
Bởi giữa “rừng” chủng loại, loại cá nóc giấy vẫn được tiêu thụ công khai, được người dân làng Nam Ô chế biến bằng phương pháp riêng có để sử dụng một cách an toàn, dù lực lượng chức năng có kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy đi chăng nữa.
Nói như anh Đ.T.Tr (người dân làng Nam Ô): "Cá nóc, con nào độc, con nào không, chế biến thế nào, dân đi biển như tui rành cả". Cách chế biến của họ là cắt bỏ phần đầu và lột da toàn bộ.