Khởi động 1.044 máy ly tâm
Ngay sau đó, ngày 7/11/2019, Iran đã khởi động và bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm tại một số cơ sở hạt nhân của mình, trong đó có lò phản ứng Fordo để nâng tỷ lệ làm giàu uranium lên trên 4,5%. Điều này sẽ làm tăng kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran trên 300kg và khả năng làm giàu uranium lên trên 20%, tức là vượt ngưỡng JCPOA cho phép.
Ngày 11/11/2019, Bộ trưởng ngoại giao các nước Pháp, Đức, Anh và Cao uỷ về đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) đã họp và ra tuyên bố chung tỏ lo ngại về việc Iran nối lại hoạt động làm giàu uranium tại lò phản ứng hạt nhân Fordo, kêu gọi Tehran không từ bỏ nghĩa vụ của mình đã cam kết trong JCPOA, đồng thời nhấn mạnh rằng "các hành động của Iran là trái với các điều khoản được quy định rõ ràng trong JCPOA và sẽ đem lại những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng về phổ biến hạt nhân.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng Tehran cần "ngay lập tức trở lại tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình đã được cam kết trong JCPOA" và hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng đã gọi quyết định của Iran làm giàu uranium là một bước đi sai lầm dẫn đến việc Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Washington đề nghị các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung để gây sức ép buộc Tehran thoả hiệp và trở lại bàn đàm phán.
Iran có vi phạm Thoả thuận hạt nhân JCPOA?
Thoả thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 quy định nghĩa vụ của Iran như sau:
Cắt giảm 97% khối lượng lưu giữ uranium trong kho (từ 10 tấn xuống 300 kg). Từ bỏ việc sản xuất uranium làm giàu cấp độ cao và plutonium cấp độ vũ khí. JCPOA chỉ cho phép Iran làm giàu uranium ở mức 3,67% (uranium với mức độ làm giàu lên tới 20% là để sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu và thử nghiệm, lên tới 90% là có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân).
Việc làm giàu uranium chỉ được thực hiện ở nhà máy Natanz và Iran với các máy ly tâm thế hệ đầu tiên và với điều kiện không được dùng khí gaz. Giảm số lượng máy ly tâm từ 20 ngàn xuống 5 ngàn (Iran được phép sử dụng thêm 1 nghìn máy ly tâm nữa cho các mục đích nghiên cứu khoa học.) Cho phép kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hạt nhân. Loại trừ các khía cạnh liên quan đến quân sự (PMD) trong chương trình hạt nhân Iran.
Hiện nay, Tehran đã gỡ bỏ hầu hết các hạn chế này. Đồng thời, Chủ tịch Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi đã công bố các nhà khoa học hạt nhân Iran đã thiết kế thành công hai loại máy ly tâm hiện đại, được gọi là IR-9 và IR-S.
Các thiết bị này sẽ được đưa vào hoạt động cùng với 30 máy ly tâm loại IR-6 hiện có sẽ làm tăng khối lượng uranium được làm giàu lên gấp 10 lần, từ 450 gram được JCPOA quy định lên 5 kg/ngày.
Như vậy, không thể nói Iran không vi phạm thoả thuận JCPOA và cộng đồng quốc tế không thể không lo ngại về những vi phạm này.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, điều 36 của JCPOA quy định "nếu bất kỳ một bên nào trong P5+1 không đáp ứng được các cam kết trong thoả thuận thì Iran có thể ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần cam kết của mình trong JCPOA". Điều này có nghĩa là Thỏa thuận hạt nhân JCPOA cho phép Iran giảm nghĩa vụ của mình do Mỹ rút khỏi thoả thuận và các nước châu Âu không thực hiện cam kết.
Trong cuộc họp với Quyền Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng, việc Iran giảm bớt nghĩa vụ của mình trong Thoả thuận JCPOA là nằm trong khuôn khổ của thoả thuận nhằm đáp lại việc các nước châu Âu không thực hiện nghĩa vụ của họ được ghi trong thoả thuận.
Đáng lưu ý, tất cả các hoạt động của Iran liên quan đến giảm cam kết của mình đều được thông báo cho IAEA và với sự có mặt của các thanh sát viên, không vi phạm bất cứ điều khoản nào của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ngoại trưởng Iran khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA và sẽ trở lại ngay thực hiện đầy đủ các cam kết của mình nếu Mỹ và các nước châu Âu cũng thực hiện nghĩa vụ của họ.
Iran định sản xuất vũ khí hạt nhân?
Làm giàu uranium là điểm mấu chốt của việc chuyển đổi quặng uranium thành nguyên liệu để sử dụng trong sản xuất điện hoặc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Cần nói rõ rằng, quá trình làm giàu không phải là yếu tố quyết định trong việc xác định tính chất hòa bình hay quân sự của bất kỳ chương trình hạt nhân nào mà chỉ quyết định được tỷ lệ làm giàu mà thôi.
Làm giàu là một quá trình phức tạp, cần phải qua một số giai đoạn nhất định nhằm tăng tỷ lệ uranium lên 235. Urani này được gọi là "U235" chỉ có thể chiết xuất được khoảng 0,7% trong khối lượng quặng được khai thác. Các đồng vị phóng xạ được chiết xuất từ quặng uranium được gọi là "U238" có số lượng nguyên tử và kích cỡ lớn hơn một chút so với "U235".
Để sản xuất năng lượng và phát điện, chỉ cần tăng tỷ lệ làm giàu lên 3 đến 5% của "U235", còn để chế tạo vũ khí hạt nhân thì cần phải tăng tỷ lệ làm giàu lên mức 80-90%.
Bước đầu tiên trong công nghệ làm giàu là chuyển uranium, được gọi là "bánh vàng-yelow cake", thành dạng khí gọi là uranium hexafluoride (UF6), nghĩa là quá trình làm giàu chỉ bắt đầu sau khi quặng uranium được chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái khí.
Khi uranium được bơm ở dạng khí thông qua một bức màn chắn, "U235" vượt qua bức màn này rất nhanh như các hạt cát đi qua các lỗ sàng nhỏ li ti hoặc bất kỳ bộ lọc nào khác để tách các hạt mịn. Quá trình phân tách này phải được lặp đi lặp lại ít nhất 1.400 lần để thu được uranium 235 ở nồng độ 3 đến 5%.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) xác nhận rằng trong kho dự trữ của họ có 20% uranium đã làm giàu và có khả năng làm giàu với tốc độ cao nếu lượng dự trữ này cạn kiệt.
Việc sản xuất 20 kg uranium làm giàu để chế tạo ra một đầu đạn hạt nhân sơ đẳng nhất cần khoảng 1.500 máy ly tâm hoạt động không ngừng trong vài tháng. Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố Iran có 1.044 máy ly tâm trong lò phản ứng Fordo và nói rằng ông sẽ yêu cầu IAEA cho phép bơm khí vào các thiết bị này.
Cho đến nay, còn lâu Iran mới sản xuất được một vũ khí hạt nhân. Việc chế tạo bom nguyên tử đòi hỏi uranium phải được làm giàu ở cấp độ khoảng 90%.
Iran cũng cho biết họ không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và coi việc cắt giảm các nghĩa vụ của mình trong JCPOA là biện pháp cần thiết để đáp lại việc Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận này.
Tương lai của Thoả thuận hạt nhân JCPOA
Tổng thống D. Trump đã nhiều lần gọi thỏa thuận JCPOA là "điều tồi tệ nhất ông từng thấy". Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông D. Trump đã luôn luôn chỉ trích thoả thuận này. Ông cho rằng, Tehran có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân và JCPOA chỉ mang lại lợi ích cho Iran.
Tổng thống D. Trump nói, thời hạn của JCPOA sẽ hết hạn vào năm 2031 là không ổn và ông muốn thoả thuận này phải có hiệu lực vĩnh viễn. Ông cũng đòi thắt chặt hơn nữa chế độ giám sát đối với các cơ sở hạt nhân Iran và ngăn cấm Iran phát triển tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Washington lo ngại việc Iran mở rộng ảnh hưởng, đe dọa sự ổn định của khu vực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran không muốn từ bỏ JCPOA và sẽ huỷ bỏ quyết định cắt giảm cam kết của mình ngay sau khi các bên tham gia thỏa thuận trở lại để thực hiện nghĩa vụ của họ. Ông cáo buộc Đức, Pháp và Anh đã ký JCPOA không tuân thủ các quy định của thỏa thuận trong 18 tháng qua và những lời chỉ trích của họ đối với Iran là không phù hợp.
Người phát ngôn của chính phủ Iran Ali Rabei cho biết Tehran sẵn sàng đảm bảo với tất cả các bên tham gia thỏa thuận rằng không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và có thể chấp nhận thay đổi các điều khoản của "thỏa thuận JCPOA" nếu Mỹ quay trở lại Hiệp ước và dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Iran.
Từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thoả thuận hạt nhân JCPOA tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, Tehran tỏ ra cứng rắn hơn và không sẵn sàng nhượng bộ. Các nhà phân tích chính trị nhận xét rằng, Tehran có thể còn chờ khả năng D. Trump bị luận tội và mất chức hoặc sẽ thất cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020.
Mặt khác, chính quyền Iran không chấp nhận đối thoại với Washington trong điều kiện Nhà Trắng vẫn duy trì trừng phạt Tehran. Iran không chống lại đàm phán, mà chỉ phản đối các điều kiện tiên quyết.
Trong tình hình như vậy, mặc dù thoả thuận JCPOA đang đứng bên bờ vực đổ vỡ, nhưng vẫn có thể cứu vãn được nếu Washington khẳng định mong muốn duy trì thoả thuận, gỡ bỏ các điều kiện tiên quyết bước vào đàm phán với Tehran và các bên ký kết có đầy đủ thiện chí, vì hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực Trung Đông và thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) là gì?
Ngày 14/7/2015, sau nhiều năm đàm phán hết sức khó khăn, Iran và các nước P5+1 đã ký một hiệp ước gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thoả thuận này, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình, Hội đồng Bảo an, Mỹ và Liên minh Châu Âu phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran.
Ngay sau khi thỏa thuận JCPOA được ký kết, một loạt các biện pháp trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ. Mỹ tuyên bố rút bỏ lệnh trừng phạt đối với 385 doanh nghiệp, 77 máy bay và 227 tàu biển, bao gồm cả tàu chở dầu. Ngoài ra, tiền và tài sản đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài đã được giải toả. Lệnh cấm mua dầu Iran, đầu tư và cung cấp công nghệ cho ngành dầu mỏ Iran cũng đã được bãi bỏ. Iran được trao lại quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các nước phương Tây được nối lại các giao dịch tài chính với Iran.
Tuy nhiên, tháng 5/2018 Mỹ đã đơn phương rút khỏi Thoả thuận JCPOA. Phải thừa nhận rằng, các nước châu Âu đã có nhiều cố gắng để giải quyết cuộc khủng hoảng với Iran, duy trì JCPOA, nhưng vẫn không vượt qua được sức ép mạnh mẽ của Washington. Những cố gắng này đến nay đã không đem lại kết quả và họ bắt đầu đổ lỗi cho Iran.