"Làn sóng mới" của HLV Troussier & bài học gian khó từ Đặng Văn Lâm

Đoàn Dự |

Đặng Văn Lâm là ngôi sao Việt kiều thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Hào quang anh đang có thật đáng ngưỡng mộ nhưng phía sau cũng là rất nhiều mồ hôi cùng nước mắt.

"Làn sóng mới" của HLV Troussier

Cách đây ít ngày, HLV Troussier từng nói về câu chuyện sử dụng cầu thủ Việt kiều: "Tôi từng làm việc ở châu Phi. Trong thời gian qua họ đạt khá nhiều thành công. Nhiều tuyển thủ của họ không do tự đào tạo mà lấy từ châu Âu.

Những cầu thủ ấy được thi đấu liên tục trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Đó là lý do sức mạnh của các đội châu Phi được nâng tầm nhanh chóng. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng làm việc này rốt ráo nhưng Việt Nam không có nhiều cầu thủ như vậy".

Làn sóng mới của HLV Troussier & bài học gian khó từ Đặng Văn Lâm - Ảnh 1.

HLV Troussier muốn khai thác mạnh mẽ hơn nguồn lực cầu thủ Việt kiều.

Có thể thấy, trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, nguồn lực Việt kiều sẽ được HLV Troussier chú ý mạnh mẽ. Vị chiến lược gia người Pháp cũng cho biết, thời gian qua ông đã được các tuyển trạch viên cung cấp hồ sơ của khoảng 20 cầu thủ Việt kiều, từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Bulgaria, Cộng hòa Czech.

Ở đợt tập trung U23 Việt Nam tháng Sáu này, HLV Troussier cũng lần đầu cho triệu tập cầu thủ Việt kiều Andrej Nguyễn An Khánh. Còn trên ĐTQG, trung vệ Việt kiều vốn đã quen mặt, Adriano Schmidt, cũng được ông Troussier cho lên thử sức.

Hay mới đây, một sao trẻ Việt kiều ở Đan Mạch, Kean Trần, cũng ngỏ ý muốn về thi đấu cho ĐTVN.

Nếu bóng đá Việt Nam muốn có các cầu thủ Việt kiều thì ngược lại, cũng có rất nhiều tài năng Việt kiều muốn về Việt Nam thi đấu. Ví dụ trường hợp thủ môn Filip Nguyễn, dù thi đấu ở giải VĐQG CH Séc danh giá, anh vẫn muốn về quê cha cống hiến.

Bài học gian khó từ Đặng Văn Lâm

Tuy nhiên, mong muốn và định hướng là một chuyện, còn thực tế đạt hiệu quả tới đâu lại là một chuyện khác. Khai thác nguồn lực cầu thủ Việt kiều cũng là một quá trình không phải trong nay mai hay có thể làm hời hợt mà cũng cần sự tập trung và kiên nhẫn.

Điển hình là trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ cho bóng đá Việt Nam cũng như các cầu thủ Việt kiều khác nhiều kinh nghiệm.

Đặng Văn Lâm ban đầu được đào tạo trẻ tại CLB danh tiếng, Spartak Moscow, trong 5 năm. Sau đó, anh tiếp tục sang Dinamo Moscow để rèn luyện thêm 4 năm. Có thể nói, hai cái nôi đào tạo nên Đặng Văn Lâm đều vô cùng tên tuổi tại Nga.

Năm 2010, Đặng Văn Lâm tìm đường về Việt Nam chơi bóng, đầu quân cho CLB HAGL. Cũng trong giai đoạn này, Đặng Văn Lâm lên U19 Việt Nam.

Ban đầu, Văn Lâm được kỳ vọng vì có ngoại hình cao lớn, lại đào tạo bóng đá bài bản ở hai lò nổi tiếng nước Nga. Dù vậy, khởi đầu ở quê cha không hề thuận lợi cho Văn Lâm. Anh không được trọng dụng tại U19 Việt Nam, cũng như ở HAGL thì phải sang Lào thi đấu cho Hoàng Anh Attapeu.

Bước đầu thất bại ở Việt Nam khiến Văn Lâm vô cùng chán nản. Anh trở lại thi đấu cho 2 CLB hạng thấp của Nga là Duslar và Rodina Moscow.

Làn sóng mới của HLV Troussier & bài học gian khó từ Đặng Văn Lâm - Ảnh 2.

Đặng Văn Lâm từng vô cùng tuyệt vọng trong giai đoạn đầu tìm về với bóng đá Việt Nam.

Dù vậy, khao khát trở về quê bố chơi bóng chưa bao giờ tắt trong Đặng Văn Lâm. Ngày 10/5/2015, anh đăng tải bức "tâm thư" lên mạng xã hội, mong truyền thông và NHM nhắn gửi đến HLV U23 và ĐTVN lúc ấy, Miura.

"Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc cho đội tuyển U23. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt Nam, biết nói và đọc tiếng Việt. Lâm sống 5 năm ở Việt Nam.

Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga. Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đấy…".

Đọc tâm thư của Đặng Văn Lâm, CLB Hải Phòng đã quyết định đưa thủ môn này một lần nữa trở lại Việt Nam. Mất 1 năm 2015 chưa có vị trí tốt, sang năm 2016, Văn Lâm bất ngờ nổi bật, trở thành thủ môn số một trong khung gỗ của CLB thành phố Cảng.

Làn sóng mới của HLV Troussier & bài học gian khó từ Đặng Văn Lâm - Ảnh 3.

Đặng Văn Lâm đã vượt qua rất nhiều khó khăn để gây dựng được tên tuổi ở bóng đá Việt Nam.

Từ năm 2017, Đặng Văn Lâm đã thường xuyên được lên ĐTVN. Cho tới lúc này, anh đã có 27 lần khoác áo tuyển quốc gia. Những lúc không chấn thương, không vướng việc ở CLB, Văn Lâm đã luôn là lựa chọn số một trong khung gỗ tuyển Việt Nam.

Những câu chuyện sau năm 2018 của Đặng Văn Lâm như sang Thái Lan, Nhật Bản thi đấu, có lẽ ai yêu mến anh đều biết vì khi đấy, thủ môn này đã thành danh. Nhưng như đã kể ở trên, giai đoạn từ năm 2010 tới 2017 chính là thời điểm nhiều thử thách nhất, mang tính bước ngoặt với Đặng Văn Lâm.

Nếu bản thân Đặng Văn Lâm không nỗ lực để tiến bộ không ngừng, không yêu bóng đá Việt Nam để luôn muốn quay lại, thì đã thiếu đi điều kiện CẦN.

Nếu không có HAGL bước đầu cho Văn Lâm làm quen bóng đá Việt Nam, không có Hải Phòng giang tay đón thủ môn này về khi anh sắp tuyệt vọng, cũng không có điều kiện ĐỦ để tạo nên một thủ môn xuất sắc cho bóng đá Việt Nam lúc này.

Từ câu chuyện của Đặng Văn Lâm, ta sẽ thấy để một cầu thủ Việt kiều thành danh ở Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, chứ không phải chỉ cần đào tạo tốt ở một môi trường nước ngoài danh giá là về nước chắc chắn sẽ thành công.

Dù có nền tảng tốt ở nước ngoài, cầu thủ ấy cũng cần sự nỗ lực không ngừng, cần tình yêu lớn với bóng đá Việt Nam. Ở chiều ngược lại, bóng đá Việt Nam từ cấp CLB tới các lứa tuyển cũng cần không ngừng tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt kiều thử sức, thi đấu làm quen…

Mong rằng, với định hướng mạnh mẽ của HLV Troussier về nguồn lực cầu thủ Việt kiều, chúng ta sẽ có thêm nhiều Đặng Văn Lâm, ở nhiều vị trí khác trên ĐTVN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại