"Lằn ranh đỏ" của Tổng thống Putin
Tổng thống Ukraine Zelensky từng tuyên bố rằng, chỉ khi nào Ukraine giành lại quyền kiểm soát Crimea , đẩy lui lực lượng Nga, thì giao tranh mới chấm dứt. Trong một tuyên bố vào tháng 10/2022, ông Zelensky nêu rõ: “Việc giành lại Crimea đồng nghĩa với việc khôi phục hòa bình thực sự. Khả năng tấn công của Nga sẽ bị tê liệt hoàn toàn khi lá cờ Ukraine trở lại đúng vị trí tại các thành phố và làng mạc ở Crimea”.
Một đoạn cầu Crimea bị tấn công, bốc cháy dữ dội. Ảnh: Reuters
Nhưng với Tổng thống Nga Putin, việc sáp nhập Crimea đã trở thành một trụ cột chính trong di sản của ông. Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng, bất cứ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại Crimea sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” mà ông không thể chấp nhận được.
Một số nhà phân tích cho rằng, kế hoạch của Ukraine giành lại quyền kiểm soát Crimea được xem là điều thiếu thực tế, nhưng với những bước tiến trên chiến trường trong thời gian gần đây, Kiev có vẻ như rất quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Phương Tây dù lên tiếng ủng hộ Ukraine, song vẫn lo ngại bất cứ cuộc tấn công nào của Kiev nhằm vào Crimea sẽ khiến ông Putin hành động quyết liệt hơn, thậm chí có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Một số quan chức phương Tây cho rằng, một thỏa thuận, trong đó Ukraine chấp nhận nhượng bộ Crimea cho Nga có thể là cơ sở để dẫn tới giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột. Nhưng người Ukraine đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này, trong khi Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận thương thảo vùng đất đã là một phần của nước này.
Theo các nhà quan sát, những yêu sách kiên quyết của cả 2 bên đối với Crimea cho thấy việc tìm kiếm một giải pháp chấm dứt xung đột là điều vô cùng khó khăn và để giải quyết vấn đề Crimea, các bên có khả năng sẽ phải gánh chịu tổn thất không hề nhỏ.
Tháng 10 vừa qua, Nga cáo buộc Ukraine gây ra một vụ nổ lớn nhằm phá hủy Cầu Crimea – cây cầu biểu tượng được xây dựng với kinh phí khoảng 4 tỷ USD. Moscow đã đáp trả bằng một loạt các cuộc tập kích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Sau khi Nga rút khỏi Kherson và Ukraine tiến vào thành phố, các quan chức Nga đã đưa ra một loạt cảnh báo cứng rắn. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã sử dụng bài phát biểu trước các cựu quân nhân ở thành phố Volgograd, miền Nam nước Nga để hứa hẹn "một ngày phán xét rất nhanh chóng và ngay lập tức" nếu lực lượng Ukraine tấn công Crimea. Trong khi một thành viên của Quốc hội Nga cảnh báo về việc giáng “đòn chí mạng cuối cùng”.
Khách du lịch Nga thăm bán đảo Crimea. Ảnh: AP
Kế hoạch mạo hiểm của Ukraine
Về phần mình, Ukraine được cho là đang lên kế hoạch chi tiết cho việc giành lại Crimea, trong đó có việc trục xuất hàng nghìn công dân Nga đã chuyển đến nơi này sinh sống sau năm 2014. Bà Tamila Tasheva - Đại diện cấp cao của Tổng thống Ukraine tại Crimea cho biết: “Tất cả các công dân Nga đến Crimea, trừ một số trường hợp ngoại lệ, còn lại là sinh sống một cách bất hợp pháp. Vì thế chúng tôi muốn yêu cầu tất cả những công dân này phải rời đi”.
Việc một trong hai bên từ chối nhượng bộ hoặc lùi bước có nguy cơ biến cuộc chiến thành cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ, giống nhưng các cuộc đối đầu tranh giành lãnh thổ ở Bờ Tây, Gaza, Nagorno-Karabakh hoặc Kurdistan.
Trong 8 năm qua, số phận của Crimea bị che phủ bởi cuộc xung đột ở vùng Donbass, giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraine. Chính quyền Tổng thống Zelensky được cho là bắt đầu xây dựng kế hoạch giành lại Crimea ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2.
Trước đó vào năm 2021, chính phủ Ukraine đã thành lập một hội nghị hàng năm có tên gọi Crimea Platform - nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với khu vực này. Bà Tasheva được bổ nhiệm làm Đại diện cấp cao của Tổng thống Ukraine tại Crimea vào tháng 4 năm nay, hiện đang dẫn đầu một nhóm làm việc gồm 40 người nhằm lập kế hoạch chi tiết cho việc giành lại bán đảo.
“Ukraine bắt buộc phải có kế hoạch từng bước và sẵn sàng thực hiện”, bà Tasheva nêu rõ, đồng thời lưu ý một loạt vấn đề phức tạp liên quan đến luật pháp và quyền công dân trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ước tính khoảng 100.000 người Ukraine đã rời khỏi Crimea sau khi Nga sáp nhập khu vực này, trong khi phần lớn cư dân lựa chọn ở lại và sinh sống cùng hàng trăm nghìn người Nga được khuyến khích định cư ở đây. Kể từ năm 2014, chính phủ Nga đã cấp hộ chiếu cho nhiều người trong số 2,4 triệu công dân tại Crimea.
Bà Tasheva cho rằng, những người Ukraine ở Crimea “có quyền làm như vậy”. Tuy nhiên, bà lưu ý tất cả công dân Nga đến Crimea “bất hợp pháp” sau năm 2014 đều phải rời đi. “Đây là vấn đề an ninh của chúng tôi. Nếu tất cả những công dân Nga này vẫn ở Crimea, họ sẽ luôn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi”, quan chức này nói.
Nga củng cố quyền kiểm soát Crimea
Rory Finnin, chuyên gia Nghiên cứu Ukraine tại Đại học Cambridge, cho rằng một thỏa hiệp khó có thể xảy ra. “Thật khó tưởng tượng Ukraine sẽ cảm thấy thoải mái khi từ bỏ vùng lãnh thổ này”. Trong khi đó, Nga luôn thể hiện quyết tâm giữ vững quyền kiểm soát đối với Crimea, khiến các quan chức phương Tây lo ngại về những biện pháp mạnh mẽ mà ông Putin có thể thực hiện nếu Ukraine tấn công bán đảo.
Nikolay Petrov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện chính sách Chatham House, có trụ sở tại London cho rằng, việc Tổng thống Putin từ bỏ Crimea là điều “hoàn toàn không thể xảy ra”. Theo ông, kế hoạch tái chiếm Crimea mà Tổng thống Zelensky công bố một cách rõ ràng có thể là một trong những yếu tố khiến Nga phải phát động chiến dịch quân sự.
“Sự ra đời của hội nghị Crimea Platform và việc cho phép phương Tây chơi lá bài này đã khiến các bên rơi vào vòng xoáy nguy hiểm và cuối cùng dẫn tới cuộc xung đột”, ông Nikolay Petrov.
Lord David Richards – cựu tham mưu trưởng quân đội Anh cho rằng, Ukraine có thể rơi vào một cuộc chiến hạt nhân nếu mạo hiểm giành lại Crimea. “Nếu bạn vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin, ông ấy có thể làm điều gì đó rất khó đoán, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây vẫn nuôi hy vọng rằng một thỏa thuận về Crimea có thể là chìa khóa để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, đồng thời nói rằng họ tin ông Zelensky và các cố vấn của ông có thể chấp nhận một số nhượng bộ tiềm năng.
Trong các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 3, Kiev đã báo hiệu rằng họ sẽ sẵn sàng đàm phán riêng về tình trạng của Crimea, làm gia tăng khả năng ông Zelensky có thể xử lý vấn đề Crimea khác với những 4 khu vực của Ukraine mà Nga sáp nhập trong thời gian gần đây. Trước đó, Ukraine nhiều lần khẳng định Nga phải trả lại 4 khu vực này.
“Có thể có một số thỏa thuận về Crimea, theo đó vùng đất này được phép nằm trong tay Nga trong một số năm”, chuyên gia Lord Richards nói./.