"Lằn ranh đỏ" của ông Zelensky có đủ sức đưa Ukraine gia nhập NATO?

Diệp Thảo |

Ngày 17/10, ông Zelensky tiết lộ đã nói với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Ukraine cần phải được kết nạp vào NATO hoặc Kiev sẽ theo đuổi vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Đây được xem là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kiev đưa ra cảnh báo hạt nhân trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn căng thẳng.

"Khi trò chuyện với ông Trump, tôi đã nói với ông ấy rằng chỉ có con đường gia nhập NATO hoặc chúng tôi sở hữu vũ khí hạt nhân mới được xem là lối thoát cho tình cảnh hiện nay. Chúng tôi cần tham gia vào một liên minh mà hiện tại không có liên minh nào hiệu quả ngoại trừ NATO", Tổng thống Ukraine nói.

Kiev thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, ước tính có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, Ukraine đã bàn giao lại số vũ khí này và đổi lại, Kiev nhận được lời hứa đảm bảo an ninh từ Nga, Anh và Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine nếu dòng chảy viện trợ từ phương Tây tiếp tục đổ về Kiev. Trái ngược với điều đó, đây mới là lần đầu tiên ông Zelensky đưa ra tuyên bố tương tự.

 - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: The Telegraph

Hiện Ukraine đang sở hữu bốn nhà máy điện hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia thuộc thị trấn Energodar hiện do Nga kiểm soát. Các chuyên gia nghiên cứu hạt nhân từng cảnh báo, nếu thảm họa hạt nhân xảy ra ở Zaporizhzhya thì hậu quả sẽ gấp 10 lần Chernobyl.

Mới đây, tạp chí Bild của Đức đã trích lời một quan chức Ukraine chuyên về mua sắm vũ khí cho biết Kiev có thể tiến tới chế tạo tên lửa hạt nhân. “Chúng tôi có vật liệu, chúng tôi có kiến thức. Nếu mệnh lệnh được đưa ra, chúng tôi sẽ chỉ cần vài tuần để có quả bom đầu tiên”, quan chức này nói. “Đã đến lúc phương Tây nên để tâm nhiều hơn đến các lằn ranh đỏ của chúng tôi".

Dù đã "hé cửa" cho khả năng kết nạp Ukraine nhưng tới nay, NATO vẫn chưa ấn định ngày cụ thể, đặt Tổng thống Zelensky vào thế "ngồi trên lửa" trong bối cảnh Nga đang giành thế chủ động trên hầu khắp các chiến trường.

“Lời mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức sẽ mang tính quyết định trong xung đột với Nga", ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 17/10.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng ngay cả khi Ukraine có tên lửa hạt nhân, cục diện chiến trường cũng khó lòng thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine và thậm chí còn khiến tình hình chuyển biến xấu. Ông Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc, cho biết việc Ukraine sở hữu vũ khí nguyên tử sẽ "làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân".

"Vũ khí hạt nhân sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng ở Crimea như thế nào và giành thắng lợi ở miền Đông Ukraine ra sao? Vũ khí hạt nhân không phải là cây đũa thần như mọi người nghĩ. Và đừng quên rằng, Nga cũng là một cường quốc hạt nhân", ông nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie có trụ sở tại Mỹ cho rằng việc ông Zelensky nhắc tới vũ khí hạt nhân sẽ không phải là kế sách khôn ngoan trong "cuộc mặc cả với NATO trong tương lai".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại