Lần lượt cho 2 con đi du học, mẹ xấu hổ lẫn nghẹn ngào nhận ra chân lý: Du học không phải là con đường cho tất cả mọi đứa trẻ

Hà Trang |

Xấu hổ, ngậm ngùi, chả dám nhìn ai, nhưng làm sao, chẳng nhẽ cứ để con bên đấy? Tôi nhận ra, du học không phải là nơi gửi gắm niềm hy vọng của tất cả cha mẹ cho những đứa con.

Năm năm trước, con trai tôi tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân.

 Như bao người cha, người mẹ khác, tôi cũng muốn con mình được như "con nhà người ta", bước qua cánh cửa biên giới để được tiếp tục học tập ở một vùng đất tiên tiến. Úc là đất nước tôi chọn cho con.

Gia đình tôi làm kinh doanh. Kinh tế không phải quá bí bách. Việc lo cho con đi du học nằm trong khả năng tài chính của gia đình. 

Tiễn đứa con trai cả đi du học, mong con học hành giỏi giang để thu nạp được những kiến thức quý báu, đồng thời cũng mong con trưởng thành hơn trong những năm tháng xa gia đình.

Con trai cả đi mở đường, nửa năm sau gia đình tôi quyết định cho con trai thứ hai sang đó học cấp ba. 

Có anh có em vừa là để quản nhau, vừa là có chỗ dựa, con trai thứ hai lại được học trong môi trường tiếng Anh từ sớm. Tiễn hai con đi du học cùng trong một năm, lòng tôi bồn chồn, lo lắng nhưng cũng đầy hy vọng.

Lần lượt cho 2 con đi du học, mẹ xấu hổ lẫn nghẹn ngào nhận ra chân lý: Du học không phải là con đường cho tất cả mọi đứa trẻ - Ảnh 1.

"Như bao người cha, người mẹ khác, tôi cũng muốn con mình được như "con nhà người ta", bước qua cánh cửa biên giới để được tiếp tục học tập ở một vùng đất tiên tiến".

Ngày tiễn con đi du học hy vọng là vậy, nhưng một năm sau tôi nhận ra, có lẽ con đường đó không dành cho hai con của tôi.

Cũng như bao gia đình Việt Nam truyền thống khác, vì có hai đứa con trai, nên tôi "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". 

Ở nhà, tôi và chồng lo toan mọi chuyện, hai đứa chỉ việc ăn học. 

Chưa từng giặt một cái quần, không biết nấu một món ăn, chưa một lần phải chịu vất vả, thậm chí nước cam mẹ vắt cũng gạt từng cái hạt, mang lên phòng, nhìn con uống xong rồi mẹ mang cốc xuống. 

Tôi cứ nghĩ, thả con đi, xa mẹ, con sẽ học được kỹ năng. Con sẽ có cơ hội để trưởng thành.

Dắt túi một tài khoản mấy chục nghìn đô cho con làm tiền tiêu dần mỗi tháng. Cũng là sợ xa gia đình nhỡ nhàng có chuyện gì đó con còn có cái để dùng. 

Những thanh niên mới lớn, lần đầu được nắm giữ một khoản tiền lớn như vậy, cộng thêm không biết nấu nướng, mua sắm và ăn ngoài liên tục, tiền trong tài khoản như mọc cánh bay. 

Chưa đầy bốn tháng hai đứa thay nhau gọi điện về tới tấp xin tiền. Tôi giật mình, suốt mười mấy năm con bên mình, hình như tôi đã sống thay chúng nó, chỉ lo thúc chúng nó học, mà chẳng nghĩ đến việc phải trang bị kỹ năng sống để chúng tồn tại.

Nào đâu chỉ có vậy!

Hai đứa nhà tôi sức học làng nhàng. Cho con đi du học tôi không mong chúng mang về tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, chỉ hy vọng các con sẽ học thêm được chút kiến thức. 

Thằng cả nghỉ học liên miên vì đi học nghe không hiểu, số môn nợ ngày một nhiều. 

Nó giấu tiệt chẳng kể gì. Đợt nghỉ học năm rưỡi sau đó, nó về nhà chơi, ngày quay lại bên kia, qua cửa hải quan, con nhận được thông báo, visa đã bị cắt do số tiết nghỉ quá nhiều, số môn nợ quá lượng cho phép. 

Tôi lặng đi, cổ nghẹn nấc, mắt hoa, đầu choáng váng.

Thằng bé thứ hai ở bên đó thêm nửa năm tôi cũng đành phải cho về. Con tiêu tiền, bố mẹ ở nhà không kịp làm. Nay nó nã tiền, mai nó nã tiền.

Xấu hổ, ngậm ngùi, chả dám nhìn ai, nhưng làm sao, chẳng nhẽ cứ để con bên đấy? Tôi nhận ra, du học không phải là con đường cho tất cả mọi đứa trẻ. Du học không phải là nơi gửi gắm niềm hy vọng của tất cả cha mẹ cho những đứa con.

Lần lượt cho 2 con đi du học, mẹ xấu hổ lẫn nghẹn ngào nhận ra chân lý: Du học không phải là con đường cho tất cả mọi đứa trẻ - Ảnh 2.

Đi du học như ra khơi. Muốn người ra khơi có thể bình an và thu hoạch thì trước đó người ra khơi cần phải có khao khát ra khơi chứ không phải mang theo khao khát ra khơi của người khác. 

Bọn trẻ cần phải thích học, yêu việc nắm bắt kiến thức, muốn đi để được thu nạp tri thức mới. Chỉ có thế chúng mới có trách nhiệm với việc "ra khơi" của mình.

Và rồi muốn ra khơi không chưa đủ, người ra khơi còn phải có kỹ năng ra khơi mới mong tự tin trước sóng gió, mưa bão ngoài biển. 

Hai đứa con tôi ra đi khi không biết làm một việc gì. Tôi cứ nghĩ cho con đi để vùng đất mới tôi luyện con, để con trưởng thành. 

Nhưng tôi đã nhầm! Nhầm to! Mẹ nó đây không lo dạy dỗ con, tôi điên dại thế nào lại nghĩ rằng nơi xa lạ đó sẽ là lò luyện tốt cho con mình?

Tôi đã sai!

Tôi đã sai thật rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại