Lan đột biến được đem ra đường bán như hoa cảnh bình thường ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: T.R.
Cuộc chơi lan đột biến đến hồi kết, từ những khu vườn kín cổng, hệ thống an ninh cao để bảo vệ 24/24 giờ để chống trộm giờ được mang ra đường bán. Lan đột biến từng là tài sản lớn, trở thành cây sinh vật cảnh bình thường.
Mức giá trên trời hàng trăm tỉ đồng/chậu lan, sau hơn một năm đã xuống mặt đất với giá vài chục triệu đồng/chậu nhưng không ai mua.
Có liên minh thao túng giá?
Cái chết đến quá nhanh, chẳng ai kịp "tháo chốt quả bom" kích hoạt đột ngột bởi những người tạo ra cuộc chơi. Thực tế cho thấy lan đột biến không chỉ "chết" lần này. Hồi năm 2019 từng có một đợt rớt giá nhẹ và sự chững lại của thị trường. Nhưng sau đó các "tay to" đã đứng ra gom mua và đẩy giá lên trở lại, cũng đẩy luôn niềm tin của nhà đầu tư lên cao.
Đó là cơn sốt khủng khiếp: nhà nhà có lời, người người đổi đời với cây lan đột biến. Những người tạo ra cuộc chơi đã núp bóng, tạo "cơn say tiền" và mọi người mất cảnh giác về tiền.
Đa số những người mất nhà cửa vì cây lan đột biến đều từng có lợi nhuận khủng. Nhiều cây lan đột biến mới được nhà vườn lớn "khai sinh" với giá cả tỉ đồng/cm, những cuộc giao dịch từ chục tỉ đến cả trăm tỉ đồng được đăng công khai trên Facebook và "kích hoạt" cuộc nâng cấp. Nhiều người thế chấp nhà cửa "đánh lớn" với hy vọng đổi đời nhanh chóng, sẽ giàu có như các nhà vườn lớn với biệt phủ, siêu xe.
Dòng tiền dần "cống nộp" cho các nhà vườn lớn từ làn sóng nâng cấp, từ cây quốc dân lên cây tầm trung, rồi lên cây tầm cao. Sóng sau xô sóng trước, đẩy "những con bạc" đi xa bờ hơn.
Điểm chung của những cây lan đột biến chục tỉ, trăm tỉ đồng là thời điểm xuất hiện được các "tay to" khẳng định rất quý và có số lượng ít, chỉ những nhà vườn lớn có. "Trâu chậm uống nước đục", ai cũng muốn xuống tiền sớm để có giống, hy vọng sau khi làm kie (cây giống mới ươm) bán lại cho người chơi khác, kiếm lời lớn.
Nhưng chẳng ai biết ít là bao nhiêu. Sau cuộc giao dịch công khai những kie lan chục tỉ, các nhà vườn bán kín và bán số lượng lớn cho những con bạc khác dính đòn lan quý. Cả chục ngàn tỉ được gom về cho vài chục nhà vườn lớn như vậy.
Cuộc thâu tóm dòng tiền cuối cùng là các "tay to" tạo ra sóng mới với những "mã hàng thân thuộc" đã chuẩn bị sẵn số lượng lớn tại vườn. Khi cuộc chơi đến hồi kết, nhà đầu tư mới không bán được hàng, "chết đứng".
Cẩn thận các cuộc chơi mới
Sau "sóng" lan đột biến, đến lá đột biến, rồi bạch hải đường. Cuộc chơi lan đột biến bị xóa sổ và cuộc chơi mới hình thành, cũng với chiêu thức cũ từ những "gương mặt thân quen".
Hài hước nhất là cây dọc mùng (bạc hà) vốn nấu canh chua cũng từng được "thần thánh" hóa thành "cây quý". Nhưng rồi cũng chết yểu bởi bong bóng lan đột biến vỡ.
Tựu trung lại, tất cả các cây trồng được đẩy giá đột biến thường dễ nhân giống. Người thao túng cuộc chơi đã chuẩn bị sẵn sàng số lượng lớn trước khi công khai đẩy giá, thu mua và cuối cùng khi nhà đầu tư "say đòn" họ sẽ bán ra ồ ạt.
Hậu quả của lan đột biến đang hiện hữu, rất nhiều người đã mất nhà vì trót cầm cố để "đổi đời" nhanh.
Chiêu trò gom các loại cây nông nghiệp, sinh vật cảnh số lượng lớn và "ảo thuật" biến thành cây trồng giá trị cao luôn lặp đi lặp lại, nhưng vẫn nhiều người "dính bẫy" bởi tham lợi nhuận khủng.
Trong cơn sốt giá, báo chí và Bộ NN&PTNT liên tục phát đi cảnh báo. Ngay chính những nhóm buôn bán lan đột biến còn đăng link lên để mọi người bình luận, cười cợt rằng cảnh báo này là thừa thãi và không hiểu biết. Đến khi vỡ bong bóng thì đã muộn.
Cây nông nghiệp và sinh vật cảnh vốn không phải sản phẩm đặc biệt hay độc bản. Sau những vụ vỡ bong bóng cây sanh, cây tùng la hán... bẵng đi vài năm thì lan đột biến lên ngôi. Trong khi đó, những người chủ động tạo dựng và thu lợi từ "cuộc chơi" rất khó để xử lý. Bởi chính người chơi tự nguyện, ai cũng nghĩ mình là "cáo già", chủ động nắm bắt cơ hội.
Sắp tới sẽ còn có thể có những cây khác được "đạo diễn" để lên cơn sốt. Trước khi cơ quan chức năng có thể đưa ra quy định để ngăn ngừa tốt hơn, quan trọng nhất là mỗi người cần nhớ kỹ bài học "lợi nhuận cao thì rủi ro lớn".