Hôm qua (20/9), ông Andrey Boginsky - Giám đốc điều hành (CEO) của Russian Helicopters thông báo, công ty này đã xuất khẩu lô trực thăng tấn công hiện đại Mi-28NE "Night Hunter" (Thợ săn đêm) đầu tiên trang bị hệ thống phòng thủ trên khoang (ODS), giúp bảo vệ máy bay trước các loại tên lửa phòng không có đầu dò hồng ngoại.
"Việc chuyển giao lô trực thăng xuất khẩu Night Hunter đầu tiên là một sự kiện vô cùng quan trọng đối với công ty, bởi những cỗ máy này đã đặt ra các tiêu chuẩn mới cho thị trường trực thăng tấn công trên thế giới" - ông Boginsky nói với các phóng viên, nhưng không tiết lộ danh tính quốc gia khách hàng.
Trực thăng tấn công Mi-28NE. Ảnh: Sputnik
Ngoài hệ thống ODS, các trực thăng Mi-28NE còn có hệ thống liên lạc được hiện đại hóa, cho phép kíp lái liên lạc qua radio với các máy bay khác hoặc với các trạm điều khiển trên mặt đất, cũng như cho phép 2 phi công liên lạc qua hệ thống điện thoại nội bộ.
Theo hãng tin Sputnik, Mi-28NE là trực thăng thế hệ mới có hiệu quả cao, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong bất cứ điều kiện nào. Nó có thể tham gia các chiến dịch chống xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, cũng như nhiều mục tiêu khác.
ODS được thiết kế để bảo vệ các máy bay và trực thăng khỏi bị tấn công bởi các tên lửa phòng không và pháo cao xạ từ mặt đất hoặc trên biển.
Một hệ thống ODS bao gồm một thiết bị điều khiển; một trạm thu cảnh báo radar, bức xạ laser và cảnh báo trước nguy cơ tấn công tên lửa, trạm gây nhiễu chủ động, trạm chế áp quang điện tử laser.
Hệ thống này cho phép tự động phát hiện vụ phóng tên lửa ở cự ly gần và tiến hành gây nhiễu chủ động/thụ động ở tần số tia hồng ngoại và vô tuyến nhằm phá vỡ hệ thống bám bắt mục tiêu của tên lửa. Hệ thống có thể được đặt bên trong hoặc bên ngoài thân khung máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định.
Hiện nay, Nga đang lắp đặt hệ thống phòng thủ ODS President-S trên các trực thăng Ka-52, Mi-28 và Mi-26.
Đây hiện là "đặc sản" của Nga và chưa quốc gia nào trên thế giới có hệ thống với chức năng tương tự.